Nhiều điểm nhấn tại Festival nghề truyền thống Huế 2021

Theo kế hoạch, Festival nghề truyền thống Huế 2021 sẽ diễn ra từ ngày 29/5 đến 26/6, thời gian dài nhất từ trước đến nay.

Ảnh internet

Ảnh internet

Theo UBND TP. Huế, đơn vị tổ chức các kỳ Festival nghề truyền thống, chương trình năm nay sẽ có nhiều đổi mới, đặc sắc, khác biệt so với các kỳ trước. Đặc biệt, việc bố trí thời gian của Festival nghề truyền thống Huế 2021 trải dài, có điểm nhấn vào mỗi cuối tuần nhằm tạo sự hấp dẫn, góp phần kích cầu du lịch, du khách có thể đến Huế nhiều lần trong suốt kỳ Festival. Mặt khác, đây cũng là cách tổ chức phù hợp với xu thế hiện nay.

Lễ khai mạc Festival nghề truyền thống Huế 2021chính thức vào ngày 12/6 và lễ bế mạc ngày 18/6… Bên cạnh đó, tại kỳ Festival này sẽ có hàng loạt hoạt động, sự kiện cùng song hành, như: Lễ hội ẩm thực Huế, trại sáng tác điêu khắc, liên hoan kèn đồng, marathon, đêm nhạc Trịnh, hội chợ triển lãm sách, liên hoan sắc màu tuổi thơ, đua thuyền SUP trên sông Hương, đại nhạc hội RAP, bài chòi, cờ người, tuần lễ thời trang áo dài, liên hoan Ca Huế, Lễ Tế tổ Bách nghệ và Lễ rước…

Theo lãnh đạo thành phố Huế, trọng tâm của Festival nghề thống Huế 2021 là khơi dậy niềm tự hào Huế và "đánh thức" được sự thích thú, ủng hộ với các sản phẩm nghề truyền thống của Huế, cũng như các địa phương khác. Festival nghề bên cạnh việc quảng bá văn hóa, giới thiệu hình ảnh Huế, còn tạo điều kiện để người dân Huế kinh doanh và có thu nhập tốt hơn từ các sản phẩm mang tính truyền thống, đặc trưng... Hướng đến "Huế luôn luôn mới".

* Hồi sinh di tích Tàng Thư lâu

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa khai trương "Không gian Tàng Thư lâu và giới thiệu nguồn thư tịch của triều Nguyễn".

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Tàng Thư lâu (hay còn gọi là lầu Tàng Thơ) được vua Minh Mạng (1820 -1840) cho xây dựng vào mùa hè năm 1825 bên trong Kinh thành. Tổng thể kiến trúc Tàng Thư lâu được thiết kế rất khoa học nhằm đáp ứng chức năng cất giữ và bảo quản các sổ sách văn bản, giấy tờ quan trọng của triều đình. Lầu được xây biệt lập trên một hòn đảo hình chữ nhật, chỉ thông với bên ngoài qua một chiếc cầu xây gạch đá ở phía Tây, đây cũng là phía gắn liền với hồ Tịnh Tâm.

Lối vào Tàng Thư lâu

Lối vào Tàng Thư lâu

Trải qua thời gian và nhiều biến động lịch sử, Tàng Thư lâu đã bị hủy hoại và xuống cấp nghiêm trọng. Công trình cũng không còn giữ được chức năng nguyên thủy mà bị sử dụng vào các mục đích khác. Số tài liệu lưu trữ tại đây cũng bị di chuyển đi nhiều nơi, cả trong nước và thất tán ra nước ngoài.

Nhằm phục hồi lại công trình này, năm 2014, Dự án nghiên cứu, phục hồi Tàng Thư lâu chính thức được khởi công. Đến nay, dự án đã hoàn thành, quần thể di tích kiến trúc cung đình Huế không chỉ có thêm một di sản độc đáo, mà điều quan trọng hơn là Cố đô Huế lại phục hưng được một "Tàng kinh các" danh tiếng, mở ra cơ hội phục hưng các di sản tư liệu vốn dĩ rất phong phú tại đây.

Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nỗ lực cuối cùng của đội ngũ cán bộ trung tâm không chỉ dừng lại ở việc phục dựng nguyên trạng hình ảnh Tàng Thư lâu trong quá khứ mà hơn hết là "hồi sinh" một trung tâm lưu trữ tư liệu mang tầm cỡ quốc gia và khu vực, trả lại đúng vị thế và vai trò của nó như đã từng hiện diện trong lịch sử.

Hiện tại Tàng Thư lâu đang lưu trữ ba loại hình tư liệu là tư liệu thành văn, tư liệu video và tư liệu hình ảnh.

Nhật Thy

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/nhieu-diem-nhan-tai-festival-nghe-truyen-thong-hue-2021/426074.vgp