Nhiều doanh nghiệp miền Trung mãi 'không lớn và không chịu lớn'

Đó là nhận định của ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng tại Hội nghị giao ban Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên, do VCCI Đà Nẵng tổ chức chiều 4/4, tại TP. Đà Nẵng.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI là người điều hành hội nghị, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp

Hội nghị với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các sở, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp 11 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Theo ông Nguyễn Tiến Quang, qua công bố điều tra PCI mới nhất, 11 tỉnh thành tại địa bàn hoạt động của VCCI Đà Nẵng đều tăng điểm, cộng đồng doanh nghiệp tại khu vực đã ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương mình. Năm 2017 cũng ghi nhận khu vực duyên hải miền Trung có nhiều khởi sắc trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao hơn bình quân của cả nước. Toàn khu vực thu hút được hơn 100 dự án FDI với tổng vốn hơn 800 triệu USD.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần có những giải pháp để cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng

Tuy vậy, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, những tích cực đó mới chỉ là một mặt hoạt động của doanh nghiệp khu vực miền Trung. Bởi nếu đặt trong bối cảnh chung của cả nước thì có tới 7/11 tỉnh tụt hạng PCI. Dư địa cải thiện môi trường kinh doanh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên không hề nhỏ, tức là ngoài cơ hội cải thiện, thì thách thức hiện hữu rất lớn, đặc biệt là thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

Thêm nữa, mặc dù có tỷ lệ thành lập doanh nghiệp cao so với bình quân cả nước, nhưng số vốn đăng ký thành lập lại khá hạn chế, thiếu vắng những doanh nghiệp có quy mô vừa đủ lớn để hiệu quả, vừa đủ nhỏ để linh hoạt.

“Chúng ta không khỏi e ngại khi nhìn vào thực trạng phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên với số lượng và chất lượng doanh nghiệp còn hạn chế so với các khu vực của nước ta. Tình trạng doanh nghiệp mãi không lớn và không chịu lớn vẫn là trăn trở, làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp và của cả cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực”, ông Nguyễn Tiến Quang nói.

Ký kết ghi nhớ, phối hợp kêu gọi doanh nhân có trách nhiệm không sử dụng sừng tê giác

Nhiều ý kiến, thắc mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh đã được các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nêu ra tại hội nghị, tập trung vào các vấn đề nóng như doanh nghiệp vận tải chân chính gánh nhiều giấy phép con, trong khi các doanh nghiệp ngoài luồng hoạt động không giấy phép nhưng không bị xử lý; những bất cập, chồng chéo trong các luật, thông tư, quy định về bán nhà và căn hộ cho người nước ngoài; chi phí lưu thông cao giảm sức cạnh tranh logistics; vấn đề gian lận thương mại như trốn thuế; khó khăn trong tiếp cận đất đai… Ngoài ra, các hiệp hội doanh nghiệp mong muốn sớm có luật về hội để các hiệp hội doanh nghiệp “danh chính ngôn thuận” làm việc có hiệu quả hơn trong việc là cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền.

Doanh nhân tham gia ghép tranh với nội dung: Doanh nhân có trách nhiệm không sử dụng sừng tê giác

Cũng tại hội nghị, nhằm mục đích cam kết bảo vệ động vật hoang dã và chấm dứt tệ nạn buôn bán sừng tê giác, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực tiên phong trong việc xây dựng các chiến lược kinh doanh bền vững, VCCI Đà Nẵng đã ký kết ghi nhớ phối hợp với Tổ chức Quốc tế bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) trong việc kêu gọi doanh nhân có trách nhiệm không sử dụng sừng tê giác - hành động thiết thực trong trách nhiệm xã hội của doanh nhân.

Theo đại diện WWF, Việt Nam là một trong những điểm đen về vận chuyển và kinh doanh sừng tê giác. Theo đó, doanh nhân là nam/nữ trên 40 tuổi là đối tượng tiêu thụ chính.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/nhieu-doanh-nghiep-mien-trung-mai-khong-lon-va-khong-chiu-lon.html