Nhiều doanh nghiệp rốt ráo chuẩn bị cất cánh hãng bay mới

Trong bối cảnh hàng không Việt Nam gặp khủng hoảng nặng nề do dịch Covid-19, vẫn có những doanh nghiệp đang đến rất gần với việc cất cánh hãng bay mới.

Thủ tướng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng. Theo nội dung hồ sơ của Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), hãng chọn đặt trụ sở tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Trong năm đầu tiên hoạt động, Vietravel Airlines sẽ khai thác 3 máy bay A320/321, Boeing 737 hoặc tương đương; sau 5 năm sẽ tăng lên 8 máy bay. Hãng tập trung vào mô hình kinh doanh theo hình thức thuê chuyến (charter) và thường lệ phục vụ một phần khách du lịch của Vietravel, còn lại phục vụ cộng đồng.

 Trong bối cảnh hàng không Việt Nam gặp khủng hoảng chưa từng có, vẫn có những doanh nghiệp đang đến rất gần với việc cất cánh hãng bay mới. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong bối cảnh hàng không Việt Nam gặp khủng hoảng chưa từng có, vẫn có những doanh nghiệp đang đến rất gần với việc cất cánh hãng bay mới. Ảnh: Quỳnh Danh.

Dự kiến Vietravel Airlines sẽ đưa vào khai thác từ quý II/2020, với nhóm khách mục tiêu 1 triệu lượt khách mà doanh nghiệp lữ hành này đang phục vụ hàng năm.

"Xếp hàng" sau Vietravel Airlines còn có Kite Air của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh khi hồ sơ của doanh nghiệp đã được trình Thủ tướng chờ phê duyệt. Theo hồ sơ xin thành lập hãng bay, Kite Air chọn sân bay Chu Lai (Quảng Nam) làm sân bay căn cứ. Tổng vốn đầu tư của hãng là 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.000 tỷ đồng (chiếm 18% vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỷ đồng.

Trao đổi với Zingđầu tháng 3, lãnh đạo Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh khẳng định diễn biến của dịch Covid-19 sẽ không ảnh hưởng gì đến kế hoạch bắt đầu khai thác các chuyến bay (nếu dự án được chấp thuận).

Lý do là hãng khai thác phân khúc máy bay nhỏ và thị trường vẫn còn nhu cầu. Doanh nghiệp khẳng định nếu được Thủ tướng chấp thuận, Kite Air sẽ hoàn tất các thủ tục để bắt đầu khai thác từ quý II/2020.

Trong khi đó vào cuối tháng 3, Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar (Vietstar Air) tiếp tục có văn bản gửi Bộ GVTV đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Trong văn bản, Vietstar Air cho biết thông qua báo chí, doanh nghiệp này được biết Chính phủ đang xem xét thuận lợi việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho một số công ty mới là Vinpearl Air, Kite Air, Vietravel Airlines.

Liên quan đến diễn biến này, Vietstar Air "khẩn thiết" kiến nghị Bộ GTVT xem xét trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air.

Dù dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không Việt Nam, 90% máy bay của các hãng đang nằm sân không thể khai thác, vẫn có hàng loạt doanh nghiệp tăng tốc để được gia nhập ngành. Điều này cho thấy tham vọng có được thị phần đáng kể của các hãng hàng không mới sau khi nhu cầu di chuyển của hành khách phục hồi trong tương lai.

Trước đó, trong thư mới nhất gửi người lao động Vietnam Airlines, CEO của hãng ông Dương Trí Thành cho hay 100 trong tổng số 106 máy bay của hãng đang nằm sân vì dịch Covid-19.

Vị này cũng cho hay với lịch bay và tình hình diễn biến dịch bệnh như hiện nay, dự kiến năm 2020, Vietnam Airlines sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%, doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng tương đương giảm 65% so với kế hoạch.

Hãng cũng sẽ phải thực hiện hàng loạt cải tổ để sinh tồn trong mùa dịch, bao gồm việc cắt giảm hơn 50% người lao động, toàn bộ người lao động phải giảm lương. Điều này đồng nghĩa sẽ có khoảng 10.000 lao động của Vietnam Airlines mất việc.

Ngô Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-doanh-nghiep-rot-rao-chuan-bi-cat-canh-hang-bay-moi-post1068604.html