Nhiều doanh nghiệp vốn Hàn Quốc, Nhật Bản tăng tuyển lao động, mức lương hấp dẫn

16 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc và Nhật Bản hiện đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí về phiên dịch viên, nhân viên kỹ thuật cơ khí, thợ vận hành máy, lắp ráp linh kiện điện tử, với các mức thu nhập hấp dẫn...

Người lao động tham gia tìm việc tại Ngày hội việc làm. Ảnh - Thu Hằng.

Ngày 30/11, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước.

CHỈ TIÊU TUYỂN DỤNG ĐA DẠNG, THU NHẬP HẤP DẪN

Việc tổ chức Ngày hội việc làm dành cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và du học sinh IM Japan của TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận khi hết hạn hợp đồng, là cơ hội cho người lao động về nước nhanh chóng tìm kiếm được việc làm phù hợp với kinh nghiệm và trình độ tay nghề của mình, có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đồng thời nhằm động viên, khuyến khích người lao động yên tâm về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng lao động, góp phần làm giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Ngày hội việc làm đã thu hút 47 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 1.568 chỉ tiêu. Đặc biệt, có 16 đơn vị có vốn đầu tư của Hàn Quốc và Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng các vị trí như: Phiên dịch viên, nhân viên kỹ thuật cơ khí, thợ vận hành máy, lắp ráp linh kiện điện tử…với các mức thu nhập hấp dẫn.

Đây là cơ hội thuận lợi dành cho người lao động, đặc biệt là lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh IM Japan về nước tìm được việc làm ổn định phù hợp với năng lực cũng như các doanh nghiệp tìm kiếm được đúng nguồn lao động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Bên cạnh đó, còn có các doanh nghiệp trong nước tham gia tuyển dụng trong lĩnh vực sản xuất, thương mại – dịch vụ, điện – điện tử, xây dựng, vận tải…

Tại Ngày hội việc làm, các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều phân khúc lương hấp dẫn. Đáng chú ý, các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/tháng chiếm tỉ lệ lớn nhất, chiếm hơn 37% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhà hàng – khách sạn, các vị trí nhân viên kỹ thuật, lao động phổ thông có tay nghề…

Bên cạnh đó, có trên 25% chỉ tiêu có mức thu nhập 7 – 10 triệu đồng/tháng, dành cho các vị trí công nhân sản xuất, nhân viên thừa hành giúp việc không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm.

Ngoài ra, cũng có 21,2% là các chỉ tiêu tuyển dụng có mức thu nhập cao từ 15 triệu đồng trở lên. Đây là mức thường dành cho các chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao, các vị trí kinh doanh, quản lý, biên dịch – phiên dịch, kỹ sư, giám sát, trưởng – phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.

Một số vị trí việc làm bán thời gian, cộng tác viên hoặc không đòi hỏi kinh nghiệm sẽ có mức thu nhập 5 – 7 triệu đồng…

Phỏng vấn, tuyển dụng lao động. Ảnh - Thu Hằng.

Là một trong những doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc tham gia tuyển dụng tại phiên, bà Tạ Thị Ngọc Minh, chuyên viên tuyển dụng Công ty TNHH Optrontec Vina, mong muốn tuyển được nhiều ứng viên phù hợp với yêu cầu, cần sử dụng tốt tiếng Hàn và có những kỹ năng nhất định cho các vị trí công việc.

Theo bà Minh, nguồn lao động đi xuất khẩu về nước vẫn chưa tận dụng được tốt, trong khi họ có kỹ năng, am hiểu văn hóa Hàn Quốc, có thể sử dụng cho các vị trí phiên dịch, quản lý sản xuất mà doanh nghiệp đang cần.

Hiện tại, đơn vị này đang cần tuyển dụng khoảng hơn 20 nhân viên trong mảng sản xuất, bao gồm cả quản lý, tổ trưởng…, mức lương sẽ tùy theo từng vị trí và năng lực của ứng viên.

NỖ LỰC KẾT NỐI, GIỚI THIỆU VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG ĐI XUẤT KHẨU VỀ NƯỚC

Ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết trong hơn 10 năm qua, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm, kết nối lao động chương trình EPS, thực tập sinh chương trình IMJapan về nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam và các doanh nghiệp khác tại Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực này.

Đơn vị cũng đã phối hợp tổ chức 78 Hội chợ và phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động từ Hàn Quốc trở về, để kết nối cung cầu lao động giữa người lao động đã về nước và các doanh nghiệp.

Các hội chợ và các phiên giao dịch việc làm này đã thu hút sự tham gia của gần 1.500 doanh nghiệp và trên 17.000 lượt người lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm lao động ngoài nước còn thực hiện hình thức đăng ký tìm việc và giới thiệu việc làm online thông qua website.

Hoạt động hỗ trợ giới thiệu việc làm đã giúp người lao động chương trình EPS, và thực tập sinh chương trình IMJapan về nước tìm được việc làm ổn định sau khi về nước, và các doanh nghiệp tìm kiếm được đúng nguồn lao động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Doanh nghiệp tham gia tuyển dụng nhiều vị trí với thu nhập hấp dẫn trong viên việ làm ngày 30/11.

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Tây Nam, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng khẳng định, giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động luôn được thành phố quan tâm.

Trong những năm qua, TP. Hà Nội đã có gần 7.000 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản theo chương trình EPS và IM Japan về nước. Chương trình đã mang lại cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao, giúp cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của Hà Nội nói riêng.

“Qua thời gian sống và làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản gần 5 năm, những người lao động này không chỉ có tay nghề cao, am hiểu tâm lý hai quốc gia phát triển, văn hóa doanh nghiệp nước ngoài, mà còn có ưu điểm lớn là biết tiếng bản địa. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích lũy được, những lao động EPS và IM Japan sau khi về nước đã khởi nghiệp thành công, hoặc đảm nhiệm những vị trí việc làm quan trọng trong các doanh nghiệp”, ông Nam cho hay.

Theo ông Nam, đây chính là những gương mặt điển hình, đại diện cho những người lao động đi làm việc tại nước ngoài trở về, tạo động lực và nguồn cảm hứng cho những lao động trẻ khác noi theo.

Mặc dù vậy, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng bên cạnh đó, vẫn còn có nhiều người lao động khác còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một việc làm phù hợp để phát huy khả năng và kinh nghiệm của mình sau khi về nước.

Điều này trở thành một trong những lý do khiến nhiều lao động Việt Nam ở Hàn Quốc lo lắng khi sắp hết hạn hợp đồng sẽ không tìm được việc làm ở quê hương. Do vậy, việc hỗ trợ việc làm trong nước để người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc ở Hàn Quốc có thể yên tâm quay về là vô cùng quan trọng.

Thu Hằng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhieu-doanh-nghiep-von-han-quoc-nhat-ban-tang-tuyen-lao-dong-muc-luong-hap-dan.htm