Nhiều doanh nhân khởi nghiệp thành danh từ vốn của Agribank

Lặn lội hàng mấy giờ đồng hồ, vượt những đoạn đường đất đỏ nhão nhoét vì cơn mưa rừng, chui qua rặng cao su bạt ngàn khuất hết tầm mắt, chúng tôi vỡ òa trước một khoảng không bao la xanh thẳm của đại ngàn Tây Nguyên, với những cánh rừng ngút ngàn xanh mướt của cao su, hồ tiêu, cà phê và đủ các loại cây ăn quả.

Đây là rẫy của anh Phan Thanh Sơn, huyện Đức Cơ - Gia Lai, huyện miền núi giáp ranh với Campuchia. Với diện tích 70ha, rẫy bao quanh mấy quả đồi, men theo dòng sông phủ xanh mướt cả thung lũng.

“Tôi bắt đầu làm rẫy từ ngày đầu của những năm 2000. Lúc đó, xuất ngũ về quê, dù chỉ 2 bàn tay trắng, nhưng mong muốn được làm giàu, xây dựng quê hương đã thôi thúc tôi phải hành động. Giữa núi rừng bạt ngàn, chỉ có cách trồng rừng với cây công nghiệp lâu năm là phương án phát triển khả thi nhất, vì thế, tôi đã tìm đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vay vốn, với số tiền ban đầu chỉ là 10 triệu đồng. Ngày ngày, tôi cùng gia đình bắt đầu đào đất, dỡ núi, khơi suối để ươm mầm, trồng cây, gieo hạt. Lúc đó, núi rừng hoang vu, sỏi đá lộc nhộc, chứ không quy củ như bây giờ. Bàn tay chúng tôi phồng rộp, tướt máu để đổi lấy màu xanh của rừng cây. Khi mùa thu hoạch đầu tiên đến, tôi đã dành 1 phần để trả nợ ngân hàng, một phần dùng làm vốn quay vòng. Cứ thế, tôi mở rộng dần diện tích rẫy, mang màu xanh cây cối phủ dần trên những triền đồi…”, “đại gia” Phan Thanh Sơn vừa đứng nhìn thành quả lao động của mình vừa kể cho chúng tôi nghe công cuộc khai sơn phá thạch của anh.

Doanh nhân Phan Thanh Sơn bên trang trại hồ tiêu.

Sau mười mấy năm, từ những đồng vốn chắt chiu của Agribank, cùng với ý chí quyết tâm làm giàu, giờ anh Sơn đã là một đại gia nơi núi rừng, có trong tay 20ha cao su, 25ha điều, 26ha cà phê, 5ha chuối, các loại cây ăn quả khác như sầu riêng, bơ… cùng với dàn xe “đặc chủng” leo núi dành cho mỗi lần đi thăm rẫy.

Hiện anh đang chuyển hướng sang thêm kinh doanh về xây dựng và dự kiến sẽ mở nhà máy chế biến, thay vì xuất nguyên liệu thô như hiện nay. Anh cũng tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động trong vùng.

“Đến bây giờ, tôi vẫn đang vay nợ Agirbank 4,8 tỷ đồng, thu nhập hằng năm trừ hết chi phí cũng cho lãi ba, bốn tỷ đồng. Hiện tôi vẫn thực hiên việc đáo nợ ngân hàng, để có thêm vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều tôi thấy may mắn đó là những cán bộ của Agribank rất nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ và động viên chúng tôi, đặc biệt làm thủ tục vay vốn rất nhanh, chỉ trong vài ngày là đã giải ngân, nên khi cần vốn, chúng tôi luôn có sẵn sàng, không phải chờ đợi làm mất cơ hội kinh doanh”, anh Sơn chia sẻ.

Cũng được mệnh danh là một đại gia nơi phố núi, làm giàu từ vốn vay Agribank, anh Lê Hùng Huấn, thôn An Điền, xã Iabra, huyện Chư Sê, bắt đầu trồng hồ tiêu từ 6 năm trước trên diện tích 5ha. Khác với nhiều người, hồ tiêu của hộ gia đình anh Huấn trồng trên trụ sống, trụ gỗ, thay vì trụ bê tông.

Cùng với đó, anh dùng chủ yếu là phân bón lót, phân chuồng, không lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhiều. Chi phí cho hình thức trồng hữu cơ này tuy đầu tư lúc ban đầu lớn, nhưng giúp đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, đủ nước vào mùa khô và khi mùa mưa thì không bị ngập úng do độ thông thoáng tốt, không bị đọng nước, và đặc biệt là cho năng suất rất cao.

Chính vì thế, dù năm vừa qua, hồ tiêu rớt giá mạnh, nhưng anh vẫn đảm bảo được lợi nhuận, đủ tiền trả lãi vay ngân hàng cũng như tái đầu tư phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho 10 nhân công làm việc trong rẫy.

Cùng với hồ tiêu, anh còn trồng thêm 30ha cao su, cây này gối cây kia, cho thu nhập mỗi năm lãi khoảng 2 tỷ. “Tôi vẫn đang nợ Ngân hàng Agribank 7 tỷ đồng, với số vốn đó, tôi tiếp tục đầu tư vào phát triển hai rẫy cao su và hồ tiêu.

Mặc dù vay nợ, nhưng tôi chưa bao giờ phải chịu áp lực nợ nần, cũng như gặp khó khăn gì trong việc vay vốn. Hiện, tôi có vay vốn thêm của một ngân hàng thương mại nữa, nhưng so với các ngân hàng khác, tôi thấy Agribank là nơi có thủ tục vay vốn nhanh chóng, thông thoáng nhất, được các cán bộ hỗ trợ hết cỡ, chỉ khoảng 2 ngày là làm xong hết các thủ tục”, anh Huấn chia sẻ.

Anh Sơn, anh Huấn chỉ là 2 trong số rất nhiều những “đại gia” phố núi nơi miền đất đỏ Tây Nguyên hùng vĩ đang giàu lên nhờ vốn vay từ Ngân hàng Agribank. Là ngân hàng thương mại đầu tiên mang vốn lên núi, Agribank giống như một “bà đỡ” cho những con người nơi đây để cùng họ đánh thức tiềm năng từ đất, đá, đi lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Ông Nguyễn Dự, Giám đốc Agribank chi nhánh Gia Lai cho biết trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 17 huyện thị, tổng dư nợ toàn tỉnh xấp xỉ 80.000 tỷ, thì chỉ riêng Agribank chi nhánh Gia Lai và Đông Gia Lai đã đạt khoảng 17.000 tỷ, chiếm trên 20% thị phần, trong đó 92% đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Hiện Agribank Gia Lai luôn duy trì đà phát triển tốt nhất trong số 23 tổ chức tín dụng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, với tỷ lệ nợ xấu rất thấp chỉ 0.89%...

Lệ Thúy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/nhieu-doanh-nhan-khoi-nghiep-thanh-danh-tu-von-cua-agribank-511137/