Nhiều đổi mới trong học tập, quán triệt các văn bản của Đảng

Với nhiều giải pháp khả thi, công tác học tập, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng tại Đảng bộ tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có những chuyển biến tích cực.

Học tập, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của tổ chức đảng các cấp và đảng viên. Với nhiều giải pháp khả thi nên công tác này của Đảng bộ tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có những chuyển biến tích cực. Để bạn đọc rõ hơn những kết quả, giải pháp trong công tác này, phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát công tác học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng tại Đảng bộ tỉnh.

P.V: Đồng chí cho biết kết quả nổi bật của Đảng bộ tỉnh trong việc tổ chức học tập, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay?

Đ/c Vũ Duy Hoàng: Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Đảng trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, chất lượng, theo kế hoạch đề ra. Tỷ lệ đảng viên tham gia học tập các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng đều đạt trên 98%, số còn lại chủ yếu là đảng viên được miễn sinh hoạt.

Qua các đợt học tập, nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, hầu hết đảng viên có tinh thần, thái độ học tập tốt, tập trung nghiên cứu, tiếp thu, trao đổi, thảo luận; nhiều đảng viên thuộc diện miễn sinh hoạt vẫn tham gia học tập đầy đủ các chuyên đề.

Đặc biệt, việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết bằng hình thức trực tuyến kết nối từ điểm cầu Trung ương đến cấp tỉnh, huyện và cơ sở được đánh giá phù hợp, hiệu quả, kịp thời; tiết kiệm được thời gian và kinh phí, số lượng đại biểu tham dự đông.

Cùng với chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bám sát các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ trọng tâm nêu trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương; từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, kế hoạch để tổ chức thực hiện gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Các cấp ủy đảng bám sát nội dung nghị quyết, tình hình thực tiễn, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết đúng theo định hướng chỉ đạo của cấp trên, gắn với thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng được các cấp ủy quan tâm thực hiện nghiêm túc, theo đúng chương trình, kế hoạch công tác và quy định của Điều lệ Đảng.

P.V: Thưa đồng chí, so với nhiệm kỳ trước, công tác học tập, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng trong nhiệm kỳ này có gì khác biệt?

Đ/c Vũ Duy Hoàng: Trong bối cảnh chuyển đổi số, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, công tác học tập, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức học tập, phương pháp truyền đạt và đạt được nhiều kết quả tích cực, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng cao.

Điểm mới, khác biệt nổi bật là việc đẩy mạnh tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với quy mô lớn đến cấp xã, phường và các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể.

Đối với một số đảng ủy cấp trên cơ sở với đặc thù là các đơn vị doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nên gặp khó khăn khi sắp xếp tổ chức cho toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động tham gia các hội nghị học tập trực tiếp, việc triển khai học tập, tuyên truyền thông qua hình thức trực tuyến hoặc tiếp cận thông tin qua ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử đã phát huy hiệu quả tích cực, tiết kiệm thời gian, nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận cao.

Bên cạnh đó, tỉnh đã quan tâm lựa chọn các nội dung có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức một số hội nghị chuyên đề và mời các chuyên gia về quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương.

Đáng chú ý, nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có cách làm mới, sáng tạo, phát huy hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân...

Huyện ủy Đại Từ tổ chức học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

P.V: Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, công tác học tập, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng ở Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung vào những nội dung quan trọng nào, thưa đồng chí?

Đ/c Vũ Duy Hoàng: Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng trên địa bản tỉnh, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên xác định tập trung thực hiện một số nội dung quan trọng sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì và trực tiếp quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng đến cán bộ, đảng viên, xem đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, phân loại, khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên hàng năm.

Hai là, quan tâm xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt ở các cấp kịp thời, chặt chẽ, khoa học, trong đó có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng đơn vị; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết ở các cấp gắn với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn.

Ba là, tùy điều kiện và hoàn cảnh cụ thể sử dụng linh hoạt các hình thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết theo hướng tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện nghe, nhìn hỗ trợ truyền đạt; tổ chức các hội nghị chuyên đề để quán triệt, triển khai các văn bản mới ban hành hoặc kết hợp trong các hội nghị phù hợp của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; tăng cường các hình thức trao đổi, thảo luận tạo sự tương tác, thu hút, lôi cuốn người học.

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập nghị quyết của Đảng; qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong học tập các nghị quyết của Đảng, khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận, học tập nghị quyết chưa nghiêm túc.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết; qua đó kịp thời rút kinh nghiệm, đánh giá ưu điểm, chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm cần khắc phục, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, phản biện, góp ý của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; lấy kết quả học tập, triển khai thực hiện nghị quyết là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202310/nhieu-doi-moi-trong-hoc-tap-quan-trietcac-van-ban-cua-dang-13b02f0/