Nhiều động lực tăng trưởng cho nhóm cổ phiếu dầu khí

Ngoài hiệu ứng từ đà tăng của giá dầu thế giới, nhóm cổ phiếu dầu khí được dự báo sẽ nhận được nhiều tác động tích cực từ các câu chuyện triển vọng của ngành trong thời gian tới.

Nguồn: oilandgasig.com

Nguồn: oilandgasig.com

Bứt phá mạnh trong quí 3-2023

Dầu khí là một trong những nhóm cổ phiếu có đà tăng khá mạnh trong quí 3 vừa qua. Hàng loạt cái tên nổi bật như PVS, PVD, GAS, BSR,… đồng loạt tăng tốc từ 15-25% sau hơn ba tháng. Sau thời gian miệt mài leo dốc, đa phần các mã dầu khí đã vượt mức đỉnh một năm. Thậm chí, PVS còn đang giao dịch trên vùng đỉnh lịch sử tại 39.900 đồng/cổ phiếu.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcap (VCI) đánh giá cao về triển vọng nhóm cổ phiếu dầu khí khi cho rằng OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho giá dầu năm 2024. Cụ thể, giá dầu Brent đã tăng kể từ cuối tháng 7-2023 sau khi trải qua nhiều biến động trong nửa đầu năm 2023.

Cập nhật đến ngày 12-10, giá dầu Brent tại thị trường London tăng 1,5 đô la Mỹ/thùng (tăng 1,74%), giao dịch ở mức trên 87 đô la/thùng. Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, giá dầu thô đã tăng mạnh hơn 17% và đã có lúc giao dịch ở mức 94 đô la/thùng trước khi giảm lại về mức quanh 85 đô la/thùng.

Nguyên nhân chính khiến giá dầu tăng mạnh đến từ việc OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng cũng như Ảrập Saudi và Nga tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng. Vào ngày 4-10-2023, Ảrập Saudi xác nhận rằng quốc gia này sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay, trong khi Nga cho biết sẽ duy trì mức cắt giảm 300.000 thùng/ngày. Những cam kết này giúp duy trì mức cắt giảm 4,96 triệu thùng/ngày hiện tại của OPEC+, tương đương 5% nhu cầu toàn cầu cho đến cuối năm 2023.

Theo kế hoạch, không chỉ duy trì cam kết cắt giảm 4,96 triệu thùng/ngày từ tháng 9-2023 đến cuối năm 2023, từ đầu năm 2024 OPEC+ cũng cam kết cắt giảm 1,66 triệu thùng/ngày. Mức cắt giảm sản lượng 1,66 triệu thùng/ngày cho năm 2024 có thể thay đổi, tùy thuộc vào quyết định của OPEC+ về việc gia hạn hoặc tăng mức cắt giảm tự nguyện.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá dầu Brent giảm trong nửa đầu năm 2023, số lượng giàn khoan của Mỹ cũng đã giảm từ mức trung bình 779 giàn khoan vào tháng 12-2022 xuống còn 647 giàn khoan vào tháng 8-2023 (theo công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes). Do đó, EIA dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng trưởng thấp hơn (3%) trong năm 2024 so với giai đoạn 2022-2023 (6-7%).

Trong khi nguồn cung liên tục sụt giảm thì về phía cầu, nhu cầu dầu thô trong năm 2023 được dự báo sẽ vượt mức trước đại dịch Covid-19 và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024.

Trong báo cáo hồi tháng 9-2023, IEA, EIA và OPEC đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô năm 2023 lên thêm 200.000 thùng/ngày so với dự báo hồi tháng 4-2023, một phần là do kỳ vọng cao hơn đối với sự phục hồi nhu cầu dầu của Trung Quốc sau khi quốc gia này dở bỏ chính sách zero Covid.

Dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày, lên mức 101,6 triệu thùng/ngày trong năm 2023, vượt mức trước đại dịch. Còn trong năm 2024, mức tăng thêm có thể sẽ là 2,3 triệu thùng/ngày với các động lực đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.

Hoạt động E&P phục hồi từ năm 2024

Ngoài hiệu ứng từ đà tăng của giá dầu thế giới, nhóm cổ phiếu dầu khí được dự báo sẽ nhận được nhiều tác động tích cực từ các câu chuyện triển vọng của ngành trong thời gian tới.

Việc giá dầu Brent vượt xa mức 70 đô la/thùng như hiện nay sẽ khuyến khích các hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) trên thế giới. Hoạt động E&P toàn cầu đang rất nóng, đặc biệt tại khu vực Trung Đông. Do đó, mảng E&P toàn cầu khả năng cao sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với việc dòng vốn đầu tư quay trở lại ngành sau thập kỷ thiếu hụt đầu tư vì khủng hoảng giá dầu và đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, thị trường E&P nội địa sẽ sôi động hơn từ năm 2024 với tiến triển trong đại dự án Lô B – Ô Môn. Dù vậy, tiến độ xin Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho dự án Lô B – Ô Môn có thể chậm trễ đến giữa năm 2024 do các vấn đề cốt lõi về giá bán và vận chuyển khí vẫn chưa được giải quyết.

Tuy nhiên, trong tháng 9-2023, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ban hành nghị quyết nhằm tháo gỡ cho dự án. Theo đó, PVN sẽ được phép thực hiện trao thầu hạn chế (LLOA) cho gói thầu EPCI 1 và một số gói thầu thượng – trung nguồn khác với ngân sách phê duyệt trong sáu tháng tới. Trong trường hợp FID vẫn chậm trễ, một thỏa thuận sẽ được đàm phán trong lúc thực hiện LLOA, trong đó sẽ cho phép PVN được triển khai tiếp dự án cho tới khi có FID.

Điều này có nghĩa là các gói thầu cho dự án có thể sẽ sớm được thực hiện trong nửa đầu năm 2024 mà không còn phụ thuộc hoàn toàn vào tiến độ xin FID như trước đây. Ngoài Lô B – Ô Môn, một số dự án tại thị trường nội địa sẽ sớm đi vào khai thác như: Lạc Đà Vàng A&B, Sư Tử Trắng 2B, xa hơn có thể là dự án Nam Du U Minh.

Về triển vọng cổ phiếu dầu khí, nhóm thượng nguồn được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn nhờ các yếu tố trên. Riêng PVD được hưởng lợi nhờ nhu cầu thuê giàn tăng mạnh trong khi nguồn cung thắt chặt khiến giá cước và hiệu suất hoạt động trên thị trường tăng cao. Với PVS, ngoài các mảng liên quan đến dịch vụ dầu khí được hưởng lợi từ diễn biến thị trường E&P, công ty sẽ có thêm động lực từ việc cải thiện biên lợi nhuận mảng M&C điện gió sau thời gian đầu gia nhập ngành.

Với nhóm trung nguồn, giá dầu thô và dầu FO hồi phục sẽ giúp cải thiện kết quả kinh doanh của GAS trong nửa cuối năm 2023, tuy nhiên mảng LNG sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do các vấn đề ở khâu trung – hạ nguồn vẫn chưa được giải quyết. PVT sẽ có động lực tăng trưởng từ giá cước vận tải hàng lỏng kỳ vọng thuận lợi do nhu cầu vượt nguồn cung và kế hoạch mở rộng đội tàu tới năm 2025.

Đối với nhóm hạ nguồn, nhóm phân tích kỳ vọng kết quả kinh doanh của BSR sẽ hồi phục trong nửa cuối 2023 nhờ triển vọng giá dầu thô và chênh lệch giá crack tích cực.

Linh Trang

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhieu-dong-luc-tang-truong-cho-nhom-co-phieu-dau-khi/