Nhiều dự án nước sinh hoạt vướng Nghị định 68

Nhiều dự án phòng chống, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt mùa khô 2019-2020 của tỉnh Bình Thuận giậm chân tại chỗ, do vướng Nghị định 68 của Chính phủ.

Các nhà máy nước sạch tại Bình Thuận đang nỗ lực cấp nước cho người dân.

Công trình cấp nước quá tải

Theo Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) Bình Thuận, hiện nay rất nhiều hệ thống cấp nước sinh hoạt do đơn vị quản lý hoạt động quá tải, do nhu cầu sử dụng nước của người dân ngày càng tăng cao.

Cụ thể, hệ thống nước Hồng Phong (Bắc Bình) có công suất thiết kế ban đầu 200m3/ngày, đưa vào sử dụng cuối năm 2014 cấp nước cho người dân xã Hồng Phong và một số khu dân cư Hòa Thắng. Nguồn nước cung cấp lấy từ Nhà máy nước Hòa Thắng (Cty cổ phần Cấp thoát nước tỉnh Bình Thuận) và tuyến ống nước thô đường kính D73 dài 950m từ bàu Nổi về trạm bơm Hồng Phong.

Tuy nhiên những năm qua, lượng nước từ Nhà máy nước Hòa Thắng cung cấp cho trạm bơm tăng áp của hệ thống nước Hồng Phong không đảm bảo lưu lượng theo công suất thiết kế, khoảng 120-150m3/ngày trong khi nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, dự kiến trên 400m3/ngày nên việc vận hành trạm bơm tăng áp Hồng Phong thường xuyên bị gián đoạn.

Đặc biệt, từ cuối năm 2018 đến nay, trên địa bàn Hòa Thắng và Hồng Phong đang triển khai thi công nhiều dự án nhà máy điện mặt trời, làm tăng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho hơn 1.000 công nhân thi công và đáp ứng nhu cầu rửa, làm vệ sinh các tấm panel điện mặt trời. Điều này khiến tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân xã Hồng Phong ngày càng trầm trọng, nhân dân phải chở nước xa hoặc mua nước với giá cao.

Nắng hạn khiến nhiều hồ chứa ở Bình Thuận cạn kiệt, ảnh hưởng nguồn cung cấp nước sinh hoạt.

Tương tự, hệ thống nước huyện đảo Phú Quý gồm 2 Nhà máy nước Ngũ Long và Long Hải thi công và hoàn thành, bàn giao cho Trung tâm Nước sạch - VSMTNT quản lý cuối năm 2007. Nguồn nước thô cung cấp từ các giếng khoan được UBND tỉnh cấp phép với lưu lượng 680m3/ngày. Hiện nhu cầu sử dụng nước của người dân Phú Quý tăng cao, khả năng trong mùa khô lên đến 2.000m3/ngày.

Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán thường xuyên, các giếng khoan có hiện tượng nhiễm mặn, không thể nâng công suất cấp nước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho người dân. Vì vậy, các nhà máy nước phải cấp nước luân phiên theo khu vực (ngày cấp, ngày ngưng). Cao điểm ngày lễ, tết, nhiều khu vực dân cư có áp lực nước rất yếu hoặc bị ngưng cấp nước cục bộ.

Bên cạnh đó, Nhà máy nước Tân Thắng (Hàm Tân) công suất thiết kế 800m3/ngày, dùng nguồn nước thô từ đập dâng Cô Kiều cung cấp nước cho 3 xã Tân Thắng, Thắng Hải và Sơn Mỹ với 2.340 khách hàng. Hiện nay Trung tâm Nước sạch - VSMTNT tỉnh đang thi công nâng công suất lên 2.300m3/ngày, dự kiến quý 2/2020 hoàn thành.

Tuy nhiên trước đây nguồn vốn có hạn, chỉ đầu tư tuyến ống D114 dọc quốc lộ 55 về cung cấp cho xã Sơn Mỹ. Vào mùa khô năm 2018, tuyến ống này chuyển tải không đủ lưu lượng nước để cấp người dân xã Sơn Mỹ, gây thiếu nước cục bộ.

Còn trên địa bàn xã Hàm Cường (Hàm Thuận Nam) chưa đầu tư nhà máy cấp nước. Hiện chỉ có tuyến ống cấp nước xã Hàm Minh sử dụng của Nhà máy nước Thuận Nam và hệ thống nước Hàm Kiệm lắp đặt nối dài quốc lộ 1 chạy qua địa bàn xã Hàm Cường kết hợp phục vụ dân sống ven quốc lộ và một số khu dân cư bên trong xã này.

Nhà máy nước Thuận Nam đã được cải tạo, nâng công suất lên trên 4.200m3/ngày, khả năng cấp bổ sung nước sạch cho xã Hàm Cường. Do tuyến ống quốc lộ 1 trước đây chỉ có D90 mm, nên khi hệ thống nước Thuận Nam hoặc Hàm Kiệm bị cúp điện, gặp sự cố hoặc trong thời gian cao điểm thì các khu dân cư xã Hàm Cường nằm trên địa hình cao, xa nhà máy nước sẽ bị “đứt nước”.

Tương tự trên địa bàn xã Thuận Hòa cũng chưa có hệ thống nước sạch, người dân sử dụng nước sinh hoạt từ nguồn nước mưa và giếng đào. Tuy nhiên vào tháng mùa khô, hầu hết các giếng đều cạn kiệt. Người dân mua nước với giá rất cao, 150 -200 ngàn đ/m3, gây bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Có giải pháp nhưng vướng Nghị định

Trước thực trạng trên, Trung tâm Nước sạch – VSMTNT Bình Thuận đề xuất các giải pháp phòng chống, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.

Cụ thể, để giải quyết nước sinh hoạt cho người dân xã Hồng Phong cần nâng công suất hệ thống nước Hồng Phong lên 50m3/giờ.

Dự kiến cuối tháng 3/2020, hồ Suối Hay sẽ cạn kiệt nước và Nhà máy nước Tân Minh sẽ ngưng hoạt động.

Còn tại huyện đảo Phú Quý sử dụng 6 giếng mới khoan thăm dò trên địa bàn xã Tam Thanh và Ngũ Phụng để khai thác bổ sung cho Nhà máy nước Long Hải, nâng công suất cấp nước cho người dân xã Long Hải và Tam Thanh lên 580m3/ngày.

Đối với giải quyết thiếu nước sinh hoạt tại xã Mỹ Sơn, cần lắp đặt ống HDPE D160 - 200 mm, chiều dài 8km dọc 1 bên quốc lộ 55. Tương tự để giải quyết nước sinh hoạt cho khu vực xã Hàm Cường cần lắp đặt tuyến ống HDPE D168 có chiều dài 3,7km để tăng cường nước nước bổ sung từ Nhà máy nước Thuận Nam và Hàm Kiệm.

Giải quyết nước sinh hoạt cho người dân xã Thuận Hòa cần xây dựng trạm bơm tăng áp tại thôn Liêm Bình, xã Hồng Liêm và tuyến ống HDPE D110 mm với tổng chiều dài hơn 11 km, để đưa nước về phục vụ dân cư trung tâm xã này.

Ông Lý Hữu Phước, Giám đốc Trung tâm Nước sạch – VSMTNT Bình Thuận cho biết, về các giải pháp trên đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án vào tháng 11/2019. Tuy nhiên do sử dụng nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM kế hoạch 2020, nên các dự án đều bị vướng mắc bởi Nghị định 68/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Cụ thể, do chưa có Thông tư hướng dẫn của các Bộ liên quan nên việc thẩm định phê duyệt đề cương nhiệm vụ, dự toán thực hiện công tác lập báo cáo kinh kế kỹ thuật bị vướng về đơn vị có trách nhiệm thẩm định, định mức, đơn giá. Do vậy, Trung tâm chưa thể trình thẩm định phê duyệt làm cơ sở để phân khai vốn, triển khai dự án.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước trong sinh hoạt trong mùa khô, ông Phước đề nghị Sở NN-PTNT Bình Thuận xem xét, kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương triển khai các danh mục công trình dự kiến sử dụng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM kế hoạch 2020 theo phương thức thi công công trình đặc thù, khắc phục thiên tai hạn hán khẩn cấp tương tự như năm 2015 và 2016.

Đồng thời kiến nghị tỉnh và trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí bổ sung để kịp thời giải quyết nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân các địa phương trong tỉnh.

KIM SƠ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhieu-du-an-nuoc-sinh-hoat-vuong-nghi-dinh-68-d258833.html