Nhiều 'dư địa' cho phát triển nông nghiệp

Trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế và đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Với sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ, toàn ngành đã bám sát thực tiễn, nỗ lực vượt khó, vươn lên, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Ðồng thời, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để tạo không gian, khơi thông các nguồn lực phát triển.

Trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế và đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Với sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ, toàn ngành đã bám sát thực tiễn, nỗ lực vượt khó, vươn lên, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Ðồng thời, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để tạo không gian, khơi thông các nguồn lực phát triển.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Nhiều tiền đề thuận lợi

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, với mức tăng 3,36%, cao hơn khá nhiều so với con số 2,5-2,8% được Chính phủ giao. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) đạt 53,22 tỉ USD, tăng 9,3%, trong đó thặng dư thương mại đạt 8,5 tỉ USD. Việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp được quan tâm, quy mô và trình độ sản xuất nông nghiệp hàng hóa nâng cao trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục đổi mới phù hợp với thị trường, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và thu nhập cho nông dân.

Cơ cấu cây trồng chuyển đổi hiệu quả hơn và giá trị 1 héc-ta đất trồng trọt đạt 104,2 triệu đồng, tăng 0,6% so với năm 2021. Chăn nuôi gia súc gia cầm chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học. Thủy sản phát triển bền vững cả về nuôi trồng và khai thác. Công tác phát triển rừng được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng xã, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn. Ðến hết năm 2022, cả nước có 6.009/8.225 xã (73,06%) và 255 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống, ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp và xuất xứ rõ ràng. Cả nước đã có 8.689 sản phẩm OCOP, tăng 3.700 sản phẩm so với năm 2021…

Mở rộng "không gian" cho phát triển

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành NN&PTNT. Tại hội nghị này, nhiều đại biểu khẳng định, dù còn gặp các khó khăn nhưng nông nghiệp nước ta còn nhiều "dư địa" để phát triển và đạt được mức tăng trưởng cao trong năm 2023. Ðể thúc đẩy phát triển nông nghiệp, ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời các khó khăn. Tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng các "không gian" cho phát triển nông nghiệp. Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tăng cường chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển nông nghiệp gắn với văn hóa và du lịch. Tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới có hiệu quả…

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương, bày tỏ mong muốn: "Bộ NN&PTNT cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu lại ngành sản xuất để nâng tầm nông sản Việt, trong đó bao gồm cả các ngành sản xuất nông nghiệp và các ngành công nghiệp nông nghiệp theo nguyên tắc gắn với thị trường, nhu cầu thị trường. Từ đó, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, đa dạng hóa phương thức vận chuyển, giảm dần sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống. Ðồng thời, mong Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại với thế giới, chuyển dần từ tiểu ngạch sang chính ngạch theo chỉ đạo của Chính phủ. Tích cực đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng thêm các mặt hàng nông lâm thủy sản được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường trên thế giới. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu hàng nông sản theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thị trường. Chú ý xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mở rộng thị trường tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Phối hợp thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại và xử lý các tranh chấp thương mại, các vụ kiện trong thương mại quốc tế, tạo thêm sân chơi cho các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam".

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thúc đẩy tiêu thụ nông sản gắn với du lịch là một hướng tiếp cận mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng. Hiệp hội rất mong tới đây ngành hàng thủy sản cũng như các mặt hàng nông sản khác được "đồng hành" nhiều hơn với các hoạt động văn hóa, du lịch.

Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bộ NN&PTNT phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2023 đạt mức tăng 3,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 55 tỉ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%, có 280 đơn vị huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, những nhiệm vụ, mục tiêu và chỉ tiêu được Thủ tướng giao, Bộ NN&PTNT cùng toàn ngành hoàn toàn có thể làm được với một niềm tin rất lớn. Bởi Bộ không đi một mình mà còn có cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, nông dân và các bộ, ngành có liên quan. Ngành Nông nghiệp đang quản lý một nguồn lực quốc gia rất lớn, nếu chúng ta "kích hoạt" toàn bộ nó lên thì cái "dư địa" và không gian phát triển mới còn rất nhiều.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nhieu-du-dia-cho-phat-trien-nong-nghiep-a155876.html