Nhiều 'dư địa' để Phú Yên trở nên giàu đẹp, yên bình

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên chiều 26/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tỉnh có nhiều 'dư địa' để phát triển thành điểm đến rất văn hóa, môi trường thật tốt, ứng dụng khoa học công nghệ thiết thực, ứng dụng công nghệ thông tin, minh bạch, công khai…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Đình Nam

Báo cáo với Phó Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết năm 2018, kinh tế tỉnh tăng trưởng 8,21% (năm 2017 là 7,8%) và quý I/2019 tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng dần khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Thu ngân sách đạt 4.575 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 39,7 triệu đồng, tăng 10,6% so năm trước.

Lượng khách du lịch đến tỉnh năm 2018 hơn 1,6 triệu lượt; quý I/2019 đạt 352.000 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó khách nước ngoài tăng 26%.

Trong năm 2018, đã có 76 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư; trong đó lĩnh vực năng lượng tái tạo có 18 dự án. Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 51 dự án; riêng lĩnh vực năng lượng tái tạo có 6 dự án điện mặt trời, với tổng công suất 463,4 MW đã hoàn tất các thủ tục chuẩn bị tổ chức khởi công và dự kiến phát điện vào tháng 6/2019.

Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, tỉnh Phú Yên triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về an sinh xã hội theo quy định.

Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được tập trung chỉ đạo. Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được đầu tư, nâng cấp. Công tác vận động học sinh vùng khó khăn, dân tộc thiểu số ra lớp có nhiều cố gắng.

Hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từng bước được nâng cao. Thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế đã có một số chuyển biến tích cực. Số người tham gia đóng bảo hiểm y tế đạt 85,6% trên tổng số dân trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng nhìn nhận chất lượng tăng trưởng của địa phương vẫn còn thấp so với bình quân chung cả nước (thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2018 đạt 39,7 triệu đồng/năm, bằng 72,2% cả nước (55 triệu đồng). Tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 5,65% (cả nước 5,2%)... Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ còn thấp.

Tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn cao hơn bình quân chung cả nước; nguy cơ tái nghèo lớn.

Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên Phạm Văn Cường băn khoăn trước chủ trương cắt giảm biên chế giáo viên khiến nhiều trường trên địa bàn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, thiếu nguồn lực dành cho việc xây dựng cơ sở vật chất… Tương tự, trong 5 năm gần đây, ngành y tế Phú Yên không được giao thêm biên chế trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng quá tải tại một số BV. So với định mức biên chế, đội ngũ cán bộ y tế trong các cơ sở y tế công lập tại Phú Yên còn thiếu từ 400-800 người. Vì vậy, Phú Yên mong muốn được tham gia vào các đề án đào tạo bác sĩ theo địa chỉ, đặc biệt là tại một số chuyên ngành khó tuyển dụng bác sĩ (lao, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh...).

Ảnh: VGP/Đình Nam

“Trên địa bàn Phú Yên hiện có 2.500 bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, trong đó có 1.900 người phải điều trị nội trú nhưng đang phải chữa trị ở các tỉnh lân cận. Vì vậy, cần xây dựng một BV chuyên khoa về tâm thần”, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thị Mộng Ngọc bày tỏ.

Trong khi đó, Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Yên Phạm Văn Bảy cho biết tỉnh rất thiếu nguồn lực đầu tư cho các điểm du lịch trọng điểm như vịnh Xuân Đài, gành Đá Đĩa, quần thể Hòn Yến, tạo các điểm đến mới là những di tích văn hóa, lịch sử quốc gia… Đây là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động du lịch Phú Yên tuy có chuyển biến nhưng chưa bền vững, sản phẩm du lịch chưa phong phú. Do đó, thời gian du khách lưu trú ngắn, chi tiêu thấp.

Lãnh đạo các sở: KH&CN, LĐTB&XH, TT&TT cũng đã trực tiếp báo cáo cụ thể khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong lĩnh vực phụ trách.

Đáng chú ý, từ kết quả ban đầu, tỉnh Phú Yên mong muốn được các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh tham gia sâu vào các đề án, nhiệm vụ KHCN trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông như Hệ tri thức Việt số hóa, Đề án giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin các bộ ngành, địa phương…

Tại cuộc làm việc, đại diện các bộ: GD&ĐT, VHTT&DL, Y tế đã giải đáp một số khó khăn, kiến nghị của tỉnh Phú Yên.

Đánh giá cao kết quả phát triển của Phú Yên thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dù còn nghèo nhưng tỉnh có nhiều “dư địa” để phát triển, “chậm một nhịp nhưng chắc”, mở ra những cơ hội rất tốt và đang đúng định hướng.

Tuy nhiên, bên cạnh phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh Phú Yên cần quan tâm hơn nữa đến các vấn đề văn hóa-xã hội. Cụ thể trong thời gian tới, tỉnh cần sơ kết nghiêm túc, phân tích sâu sắc 5 năm thực hiện Nghị quyết 33/NQ-TW về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, như quy luật của nhiều nước đang phát triển trên thế giới, thời gian đầu tập trung phát triển kinh tế, sau đó mới chú ý đến môi trường, tiếp nữa mới đến các vấn đề văn hóa xã hội. Chưa kể các vấn đề văn hóa-xã hội rất khó lượng hóa, đo đếm, phát sinh và tích tụ dần dần, nhưng khi bộc lộ ra cũng không khắc phục được ngay. Bên cạnh đó, nhìn trong ngắn hạn, các hoạt động văn hóa, xã hội không đóng góp trực tiếp về kinh tế. Trong giải quyết các vấn đề văn hóa, ý kiến chuyên gia chưa được coi trọng đúng mức. Để thay đổi nhận thức này không đơn giản.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm Trung tâm Hành chính công của tỉnh Phú Yên - Ảnh: VGP/Đình Nam

“Quá trình sơ kết Nghị quyết 33, các đồng chí cần làm rõ nhận thức của lãnh đạo tỉnh đã thực sự coi văn hóa là nền tảng, giáo dục-khoa học là quốc sách hàng đầu chưa? Trong các phiên họp của cấp ủy, chính quyền thì vấn đề văn hóa-xã hội được đề cập như thế nào? Thời gian chỉ đạo, nguồn lực, con người đã thực sự được coi trọng chưa?”, Phó Thủ tướng nói.

Về vấn đề biên chế giáo viên, Phó Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục tỉnh thống kê, rà soát lại số lượng giáo viên các cấp, cắt giảm biên chế gián tiếp, sắp xếp lại trường lớp, giáo viên phải bảo đảm cho học sinh học đủ 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, ở những nơi đủ điều kiện thì phải đổi mới cơ chế quản trị, trước hết ở các đô thị lớn, để cung cấp các dịch vụ giáo dục chất lượng cao cho một bộ phận người dân có khả năng chi trả. Từ đó chuyển một bộ phận giáo viên sang không hưởng lương ngân sách, để dành biên chế cho những khu vực khó khăn.

“Liệu có bao nhiêu phần trăm người dân trên địa bàn chấp nhận trả chi phí cao hơn cho chất lượng dịch vụ giáo dục theo yêu cầu với điều kiện vẫn phải bảo đảm đủ trường lớp cho những người không có điều kiện học thuận lợi? Đây không phải là tư nhân hóa giáo dục phổ thông mà là đổi mới cơ chế quản lý, quản trị ở một số trường để tự chủ một phần quỹ lương, dành nguồn lực lo cho những nơi khó khăn hơn”, Phó Thủ tướng phân tích thêm.

Tương tự như vậy, trong lĩnh vực y tế, Phó Thủ tướng cho rằng cùng với việc tính đủ chi phí y tế vào lương, cần tăng cường thu hút đầu tư xây dựng bệnh viện ngoài công lập, đẩy mạnh tự chủ bệnh viện để xử lý giải quyết vấn đề quá tải cũng như thu hút bác sĩ. Đồng thời, tỉnh tiếp tục mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế, như vậy mới có nguồn lực bền vững cho y tế.

“Tỉnh nên lựa chọn một số lĩnh vực trọng điểm có thể trở thành “hình mẫu” như: Ứng dụng khoa học công nghệ một cách rất thiết thực vào kinh tế, sản xuất; ứng dụng CNTT vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội; bảo vệ môi trường trong đó có du lịch, bờ biển; hệ thống cung cấp thông tin công khai, minh bạch cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; làm tốt công tác văn hóa, đạo đức xã hội, tạo dựng môi trường sống an lành, bình yên… Làm sao để Phú Yên trở thành một địa phương thực sự giàu đẹp, yên bình. Đấy là điều quý nhất”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến cụ thể về việc lập BV chuyên khoa tâm thần; xây dựng, mở rộng cơ sở cai nghiện; hỗ trợ các điểm du lịch, văn hóa, lịch sử…

Đình Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/nhieu-du-dia-de-phu-yen-tro-nen-giau-dep-yen-binh/364676.vgp