Nhiều gia đình đợi 'dài cổ' để đăng kí vào viện dưỡng lão

Theo nhiều nghiên cứu, nhu cầu đưa người cao tuổi vào viện dưỡng lão tại Việt Nam tăng cao, song 'cung' đang không đủ 'cầu'.

Khi "cầu" lớn hơn "cung"

Trong một vài năm tới, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ qua đi và kéo theo sự già hóa dân số.

Ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cho biết: “Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Châu Á. Hiện nay, ta có khoảng 10 triệu người già, nhưng 17 - 20 năm tới sẽ có đến 26 - 30 triệu người già. Vì thế, việc xử lý và giải quyết những vấn đề của người cao tuổi trở thành nội dung cấp bách, trọng tâm và quan trọng”.

Ông Tô Đức trao đổi thông tin.

Trao đối với PV Lao Động, ông Tô Đức thông tin: “Qua nhiều nghiên cứu, khảo sát đưa ra tại các hội thảo cho thấy nhu cầu vào viện dưỡng lão gia tăng mạnh. Có hai nhóm chính, thứ nhất là những người cao tuổi không có điều kiện sống cùng con cái do hoàn cảnh con cái định cư nước ngoài, làm ăn xa... Nhóm thứ 2, vẫn sống cùng con cháu nhưng mong muốn tham gia mô hình dưỡng lão để sinh hoạt cộng đồng, gặp gỡ những cụ cùng thế hệ”.

Hệ thống viện dưỡng lão rất thiếu và rất yếu

Thói quen và tư duy “tứ đại đồng đường” trì trệ đang dần thay đổi nhưng rất chậm chạp. Quan niệm đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu vẫn đè nặng nhiều gia đình. Cộng với nhiều yếu tố khách quan về điều kiện cơ sở vật chất chính là vật cản đường khiến các cơ sở dưỡng lão ở Việt Nam phát triển chậm.

Ông Tô Đức bày tỏ trăn trở: “Nhu cầu vào viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người cao tuổi rất lớn trong khi mạng lưới hệ thống dưỡng lão ở Việt Nam rất thiếu và rất yếu”.

“Nói thiếu vì cả nước có 102 cơ sở tổng hợp có phân khu chăm sóc người cao tuổi có. Trong đó, chỉ có 32 cơ sở chuyên biệt chăm sóc người già trên cả nước và các viện dưỡng lão này phần lớn thuộc khu vực tư nhân. Tức là không đủ trung bình mỗi tỉnh thành một trung tâm. Những tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn chỉ có cơ sở tổng hợp, không có cơ sở chăm sóc chuyên biệt.

Yếu bởi vì đội ngũ chăm sóc người cao tuổi chưa chuyên nghiệp. Nhiều cơ sở trước đây chủ yếu tập trung nuôi dưỡng là chính. Gần đây, đội ngũ này mới được tiếp xúc công tác chăm sóc, tư vấn trị liệu, phục hồi chức năng một cách bài bản” – ông Tô Đức phân tích.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân - giám đốc một trung tâm điều dưỡng, chăm sóc người cao tuổi ở Hà Nội - chia sẻ: "Hiện chúng tôi chỉ đáp ứng dịch vụ tốt nhất cho 40 người cao tuổi. Trong khi đó, nhu cầu của các gia đình ngày một tăng. Trong vòng 1 năm tới, danh sách gia đình đặt dịch vụ đã kín chỗ”.

Như vậy “thiếu và yếu” không chỉ là bài toán nan giải ở các tỉnh thành khó khăn mà là bài toán chung của cả nước.

Nói về mục tiêu trong thời gian tới, ông Tô Đức cho biết: “Nhà nước hướng đến mục tiêu bao phủ trung tâm dưỡng lão ở các tỉnh thành phố và những cơ sở cung cấp dịch vụ tương thích với quy mô dân số người cao tuổi trên địa bàn, ít nhất mỗi tỉnh một cơ sở. Nhà nước tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân mở rộng mạng lưới dưỡng lão.

Doanh nghiệp hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này được hưởng những ưu đãi về thuế, được thuê hoặc mượn đất, cơ sở vật chất. Những dự án đầu tư cho người cao tuổi là những dự án đầu tư ưu tiên, mang tính chất hoạt động công ích vì lợi ích cộng đồng”.

Thảo Anh - Linh Trang

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/nhieu-gia-dinh-doi-dai-co-de-dang-ki-vao-vien-duong-lao-627884.ldo