Nhiều gia đình hết bị lừa bởi các 'thần y' trên mạng

Sau khi Bộ TT&TT vào cuộc quyết liệt, các quảng cáo 'thần y', 'nhà tôi ba đời'… trên YouTube gần như không còn.

Bên lề sự kiện ra mắt “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” vào ngày 27/12, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) – Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, với sự hợp tác của Bộ Y tế, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn triệt để những quảng cáo phóng đại, sai sự thật.

“Thần y” từng làm mưa làm gió, khốn khổ bao gia đình

Anh Nguyễn Văn Bình (39 tuổi, quê Bắc Ninh) chia sẻ: Có lần anh đang ngồi họp tại cơ quan nên để máy ở chế độ rung, khi nhìn vào điện thoại thì thấy cả chục cuộc gọi của bố anh. Những tưởng ở nhà có việc gì, anh vội vã gọi lại thì được bố anh cho biết “tao nghe nói có thuốc này chữa thấp khớp hay lắm, mày gọi vào số điện thoại này mua cho tao và mẹ mày uống nhé. Cuối tuần phải mang về cho tao ngay đấy”.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT).

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT).

“Tìm hiểu ra thì đó là số trên mấy trang quảng cáo của các “thần y” trên YouTube. Mua thuốc theo quảng cáo cho bố mẹ cũng dở vì đây toàn là những thứ chưa được kiểm định, nhưng nếu không mua thì bị bố mẹ chửi cho là tiếc tiền, là bất hiếu… Tôi khó xử vô cùng vì đây chẳng phải lần đầu bị gọi bắt mua những món đồ “trời ơi” đất hỡi trên mạng, từ thuốc giảm cân cho tới thuốc trị xương khớp, thậm chí cả thuốc trị ung thư/ chữa bách bệnh cũng được các “thần y” quảng cáo”, anh Bình nhớ lại.

Câu chuyện của anh Bình không phải là cá biệt, nhiều người cũng rơi vào tình cảnh khó xử khi được người thân ở quê nhờ mua thuốc “đặc trị” thông qua quảng cáo trên mạng. Chị Hoàng Thị Dung (kế toán, quê Hà Tĩnh) tâm sự: Nhiều lần bố tôi ở quê gọi ra bảo có những thuốc trị hói hay lắm, bố thây họ bán trên mạng nên bảo tôi tìm mua. Nhưng lần nào cũng “thuốc mới hay lắm con ạ” để rồi bố tôi vẫn hói mà tiền mất với các thứ thuốc trị hói được quảng cáo trên mạng được tính tiền triệu, nhưng bố tôi vẫn không từ bỏ với lí do “hói nên đi hội họp hay đám cưới tự ti lắm”.

“Thương bố nên dù biết bị lừa tôi cũng phải cố tìm mua cho bằng được. Nhưng bệnh đâu hoàn đó, trong khi không biết nên khuyên cụ ra sao khi tóc giả, đội mũ, thậm chí gội đầu bằng thảo dược cũng không được cụ chấp nhận. Thôi thì chấp nhận mất tiền để các cụ vui, giờ thấy các quảng cáo này biến mất trên YouTube hy vọng bố tôi đã hiểu ra vấn đề rồi”, chị Dung hy vọng.

Dẹp loạn để các gia đình không còn bị lừa đảo

Theo ông Lê Quang Tự Do, sau khi Bộ TT&TT gửi văn bản sang đề nghị chấn chỉnh, YouTube đã mất khoảng 2-3 tháng nghiên cứu, thay đổi thuật toán để truy tìm và xóa bỏ hơn 2.000 quảng cáo loại này, bằng tổng số quảng cáo vi phạm đã gỡ của 4 năm trước cộng lại. Có thể thấy rõ, Bộ TT&TT (trực tiếp là Cục PTTH&TTĐT), bước đầu thành công trong việc yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ theo đề nghị của Bộ TT&TT.

Thực tế, những năm gần đây, nhiều gia đình khốn khổ vì những quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là quảng cáo thuốc trên YouTube. Nhiều người già ở quê thường mắc các bệnh mãn tính như: đại tràng, tiểu đường, xương khớp, thoái hóa đốt sống, trĩ, sâu răng, thoát vị đĩa đệm, hói đầu… nên rất mong muốn tìm được phương thuốc chữa trị dứt điểm. Đánh trúng tâm lý người bênh, kết hợp với sự kém hiểu biết của một bộ phận dân chúng, các quảng cáo thuốc dạng “thần y”, “chữa bách bệnh” xuất hiện nhan nhản trên mạng, nhất là trên YouTube – nơi có nhiều người xem.

Không chỉ với thuốc “đặc trị”, các hàng hóa kém chất lượng như mỹ phẩm, dụng cụ làm đẹp… cũng được quảng cáo tràn lan. Kết quả rất nhiều người tin theo quảng cáo nên đã bỏ không ít tiền bạc để mua thuốc và làm theo, nhưng để rồi tiền mất tật mang khiến cộng đồng vô cùng bức xúc. Theo những nạn nhân - người mua thuốc, họ tin quảng cáo bởi nhẽ “chắc thuốc chữa được, quảng cáo được cơ quan chức năng kiểm duyệt, sao bọn lừa đảo dám lộng hành…”, nhưng sự thực thì không phải như họ nghĩ. Chính vì vậy, Bộ TT&TT với vai trò là cơ quan quản lý trực tiếp đã phải vào cuộc “dẹp loạn”.

Hy vọng sau đợt chấn chỉnh quy mô lớn lần này của Bộ TT&TT, các quảng cáo “thần y”, “nhà tôi ba đời” trên YouTube sẽ bị xóa sổ hoàn toàn, không có cơ hội xuất hiện trở lại; nhiều gia đình sẽ hết bị lừa bởi những quảng cáo “thần y”, “thần dược” như thời gian qua. Giai đoạnc ác gia đình bị lừa đảo bởi các “thần y” sẽ chấm dứt.

Hải Việt

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/nhieu-gia-dinh-het-bi-lua-boi-cac-than-y-tren-mang-5012781.html