Nhiều giải pháp để quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP

Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP của Thành phố ra các tỉnh, thành phố trong cả nước và thúc đẩy xuất khẩu.

Thủ đô Hà Nội là đất trăm nghề, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước.

Trong số đó, có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận. Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Ảnh: Mạnh Quân

Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Ảnh: Mạnh Quân

Từ những lợi thế đó, Hà Nội có trên 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code, có 1.649 sản phẩm OCOP, chiếm 19% của cả nước (8.340 sản phẩm). Trong đó, có 04 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, nhằm hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện thương hiệu, năm 2021, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã xây dựng và triển khai Kế hoạch Hỗ trợ quản lý nhãn hiệu và in tem nhãn sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội cho các sản phẩm OCOP.

Trong đó, hỗ trợ xây dựng quản lý nhãn hiệu sản phẩm OCOP cho 15 chủ thể đã được Thành phố đánh giá phân hạng năm 2020; hỗ trợ thiết kế nhãn sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội (bao gồm thiết kế và in) cho các sản phẩm OCOP… Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP.

Tính đến nay, đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đi kiểm tra tại 15 quận, huyện, thị xã, với 279 sản phẩm OCOP của 32 chủ thể có sản phẩm OCOP đã được Thành phố công nhận về việc tuân thủ các quy định về sử dụng nhãn mác, tem sản phẩm, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, các quy định khác có liên quan đến tiêu chỉ sản phẩm.

Ngoài ra, thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP cấp thành phố. Thông qua đó, giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, để thích ứng với thời đại công nghệ số, Hà Nội đã có rất nhiều sáng kiến nhạy bén trong việc tiếp cận chuyển đổi số, đưa sản phẩm OCOP lên mạng xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất của Chương trình OCOP là tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream). Đồng thời, triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP.

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng đã ký kết thỏa thuận với TikTok nhằm mang đến bộ giải pháp thương mại điện tử toàn diện cho Chương trình OCOP của thành phố. Hà Nội là địa phương tiên phong trong cả nước sử dụng kênh mạng xã hội TikTok làm kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Cạnh đó, Hà Nội cũng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hình thành chuỗi các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP của Thành phố ra các tỉnh, thành phố trong cả nước và thúc đẩy xuất khẩu.

Mạnh Quân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhieu-giai-phap-de-quang-ba-ket-noi-giao-thuong-san-pham-ocop-147169.html