Nhiều giải pháp để thực hiện phát triển kinh tế năm 2017

(BVPL) - Tại phiên họp Quốc hội ngày 20/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo một số nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017.

Trước hết, trong năm 2016, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,14%, cả năm ước tăng khoảng 4%. Việc điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với dịch vụ giáo dục, y tế được chuẩn bị kỹ và điều hành phù hợp, không gây ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá.

Năm 2017, nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng... để hỗ trợ sản xuất kinh doanh sẽ được thực hiện.

Việc huy động vốn cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh. Theo đó, 9 tháng năm 2016 vốn FDI thực hiện tăng 12,4%; vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân đạt khoảng 2,7 tỷ USD. Mức vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 63% GDP, cao nhất từ trước đến nay; vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng mạnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt 32,5% GDP (kế hoạch là 31,5%).

Đã thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu và khu vực giảm mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 6,7%, trong đó xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản tăng 7,4% (cùng kỳ giảm hơn 10%); xuất siêu 2,8 tỷ USD. Ước cả năm xuất khẩu tăng 6 - 7%, nếu không bị yếu tố giảm giá dầu thô, hàng hóa trên thị trường thế giới và giảm sản lượng khai thác dầu thô thì xuất khẩu sẽ tăng 10-11%.

Ngoài ra, có các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, điển hình như: thực hiện các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời hơn các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Có chính sách đặc thù để tạo đột phá phát triển cho nhiều địa phương. Công tác xúc tiến đầu tư được triển khai hiệu quả hơn. Đáng nói, thời gian làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp rút ngắn còn 1 - 3 ngày.

Song cũng còn có những hạn chế như: Tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm. Xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp. Tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch. Số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp. Một số DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, chưa công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh; nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty chậm tiến độ, thua lỗ, lãng phí, phải dừng đầu tư, dừng hoạt động;..

Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội còn chưa nghiêm. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm. Tổ chức thực hiện và thi hành chính sách, pháp luật còn nhiều yếu kém, bất cập. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội hiệu quả chưa cao. Cùng với đó, tình trạng tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng.

Năm 2017 đã cận kề, Chính phủ nhận định, tình hình thế giới năm 2017 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới có thể tăng cao hơn năm 2016 nhưng vẫn phục hồi chậm, không đồng đều và còn nhiều rủi ro. Trước tình hình đó, mục tiêu đặt ra trong năm 2017 đó là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng...

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%;tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP không quá 3,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%...

Để đạt được các mục tiêu đó, giải pháp được Chính phủ đưa ra đó là ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; nâng cao chất lượng và bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao...).

Đặc biệt, Chính phủ sẽ có những biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ... Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, khuyến nông, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản...

Vĩnh Hoàng

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/kinh-te-do-thi/thi-truong/201610/nhieu-giai-phap-de-thuc-hien-phat-trien-kinh-te-nam-2017-2520825/