Nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác thi hành án dân sự

Trong bối cảnh đất nước ta đang tiếp tục xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện đại, hội nhập quốc tế, công tác thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính (THAHC) tiếp tục gắn liền với yêu cầu xây dựng nền tư pháp nhân dân và quan điểm của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 về xây dựng Chính phủ 'kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ'.

Thi hành một vụ án dân sự. (Ảnh minh họa).

Thi hành một vụ án dân sự. (Ảnh minh họa).

Hướng tới kết quả thực chất, bền vững

Ngay từ đầu năm nay, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị quyết số 31- NQ/BCSĐ về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm THADS, THAHC giai đoạn 2018 - 2021, Bộ trưởng Tư pháp ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác THADS như: Tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về THADS năm 2018; Nâng cao hiệu quả công tác THADS, nhất là liên quan thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng và thu hồi cho ngân sách trong các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn; và tiếp tục hoàn thiện thể chế THADS.

Theo báo cáo gần đây của Tổng cục THADS, về kết quả xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, đã lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm tổng số 6.502 việc, với số tiền hơn 78,5 tỷ đồng. Cơ quan có thẩm quyền đã xét miễn, giảm tổng số 5.867 việc, tương ứng với số tiền hơn 70 tỷ đồng. Về kết quả tổ chức cưỡng chế thi hành án, đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 9.857 trường hợp, sau khi có Quyết định cưỡng chế, có 869 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án. Như vậy, tổng số việc phải tổ chức cưỡng chế là 8.988 trường hợp.

Trong công tác xác minh, phân loại điều kiện thi hành án, thực hiện Điều 44ª Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và chỉ đạo của Chính phủ, trong những năm qua, công tác xác minh, phân loại điều kiện thi hành án luôn được Bộ Tư pháp quan tâm thực hiện. Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện nghiêm chỉ tiêu này, đồng thời tổ chức các Đoàn kiểm tra toàn diện và chuyên đề, định kỳ và đột xuất, trong đó chú trọng kiểm tra công tác xác minh điều kiện thi hành án, qua đó đã giúp kết quả phân loại án có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành chính xác hơn, kết quả THADS ngày càng thực chất và bền vững.

Tại địa phương, Thủ trưởng các cơ quan THADS đã thực hiện nghiêm túc việc ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án và đăng tải công khai thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành án của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Cổng, Trang thông tin điện tử THADS, qua đó, giúp người dân và đương sự giám sát tốt hơn việc phân loại án.

Bên cạnh đó, các cơ quan THADS địa phương đã ban hành Kế hoạch kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp xác minh điều kiện thi hành án không đúng thời hạn, phân loại án không chính xác để chạy theo thành tích, do bảo đảm tính công khai, minh bạch nên về cơ bản không phát sinh khiếu nại, tố cáo trong hoạt động phân loại án. Các cơ quan THADS và cơ quan hữu quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC ngày 6-2-2013 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải THADS và trả tiền, giấy tờ cho người được THADS là phạm nhân và Quy chế phối hợp số 911/QCLN-TCTHADS-TCTHAHS ngày 26-11-2015 giữa Tổng cục THADS và Tổng cục Cảnh sát THAHS và hỗ trợ tư pháp trong công tác THADS.

Thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, các cơ quan THADS đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai quy định về việc xác nhận kết quả thi hành án đối với phạm nhân đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án. Bộ Tư pháp đã phối hợp Bộ Công an kiểm tra công tác phối hợp trong THADS với trại giam tại một số địa phương.

Thực hiện hiệu quả nghị quyết Quốc hội

Bộ Tư pháp, các cơ quan THADS địa phương đã ban hành Kế hoạch của Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, kiểm tra, phúc tra và trả lời các kiến nghị, phản ánh của các tổ chức tín dụng về các nội dung liên quan đến nghiệp vụ THADS. Đồng thời, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo triển khai thực hiện, đồng thời rà soát, tổng hợp tình hình thực hiện Nghị quyết, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh; các cơ quan THADS đã chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, tổng hợp các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án chưa được thi hành hoặc đang thi hành để có kế hoạch đẩy nhanh việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định loại này; kịp thời tổng hợp, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo THADS đối với những vụ việc phức tạp.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục THADS cũng cho biết: Thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước trong các vụ án trọng điểm, án kinh tế, tham nhũng lớn là một vấn đề hệ trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn đã được đưa ra xét xử. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch giải quyết, thành lập các Tổ công tác; tổ chức các buổi họp liên ngành, ban hành Công điện đôn đốc vàtổ chức các buổi làm việc với các địa phương đang giải quyết các vụ việc. Sau khi nhận được bản án có hiệu lực pháp luật, các cơ quan THADS đã tiến hành thụ lý và tập trung tổ chức thi hành án.

Mặc dù các cơ quan THADS có nhiều nỗ lực, qua phản ảnh từ thực tế, quá trình tổ chức thi hành đối với các vụ việc loại này còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cơ bản. Đó là số tiền phải thi hành lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm thi hành giá trị thấp. Vấn đề khó khăn nữa là tài sản đã bị tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng,tài sản chưa có đủ giấy tờ thuộc sở hữu riêng của người phải thi hành án...

Mặt khác, thể chế về xử lý tài sản nằm ở nhiều địa phương còn chưa đồng bộ, dẫn đến các tài sản ở nhiều địa phương khác nhau chưa được giải quyết kịp thời làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý tài sản và tiến độ thi hành án.

Về số án chuyển kỳ sau, tổng số việc chuyển kỳ sau là 342.375 việc, trong đó, số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 140.282 việc, so với số việc có điều kiện thi hành năm 2017 (143.849 việc) giảm 3.567 việc (giảm 2,48%). Tổng số tiền chuyển kỳ sau là hơn 140.989,2 tỷ đồng, trong đó số tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong đạt hơn 55.488,6 tỷ đồng.

Về kết quả, tổng số phải thi hành đối với các khoản nợ của tổ chức tín dụng là 24.907 việc, với số tiền hơn 108.999 tỷ đồng, tương ứng với 2,72% về việc và 62,1% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn quốc. Kết quả, thi hành xong 4.251 việc, thu được số tiền gần 24.576 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 17,07% về việc và 22,55% về tiền.

(Theo số liệu của Tổng cục Thi hành án dân sự- Bộ Tư pháp)

XUÂN TÙNG và VĂN CHÚC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/38240102-nhieu-giai-phap-dong-bo-trong-cong-tac-thi-h%C3%A0nh-%C3%A1n-dan-s%E1%BB%A5.html