Nhiều giải pháp phát triển chương trình OCOP

Quảng Nam là 1 trong 10 tỉnh, thành phố được Bộ NNPTNT chọn chỉ đạo điểm để thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chính vì vậy, để chương trình phát triển bền vững, tỉnh này đang tìm nhiều giải pháp để tạo nên những sản phẩm chất lượng.

Ông Mai Đình Lợi – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, qua điều tra, khảo sát sơ bộ, toàn tỉnh hiện có 165 sản phẩm, thuộc 6 nhóm, gồm nhóm thực phẩm có 75 sản phẩm, nhóm đồ uống có 13 sản phẩm…

Đúc đồng Phước Kiều là sản phẩm tiêu biểu của Quảng Nam và đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ảnh: Đại Nghĩa

Trong đó, có 30 sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng, 36 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, tập trung ở các nhóm sản phẩm chính và đặc trưng. “Tổng doanh thu hàng năm của các sản phẩm khoảng 350 tỷ đồng; thị trường tiêu thụ chủ yếu trong và ngoài tỉnh.

Hiện cũng có hơn 170 tổ chức/cá nhân đang sản xuất sản phẩm địa phương; trong đó có 14 công ty TNHH, 16 HTX, 15 tổ hợp tác, 126 hộ sản xuất - kinh doanh (có đăng ký kinh doanh)… Tuy Quảng Nam có số lượng sản phẩm lớn, chủng loại đa dạng, song giá trị đạt được chưa cao, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, phát triển chưa bền vững…” – ông Lợi nhìn nhận.

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam chia sẻ, triển khai thực hiện tốt Chương trình OCOP là một hướng đi tất yếu, nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường để góp phần phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Vì vậy, ông Muộn cho rằng, để có hướng đi thích hợp, cũng như giải pháp thực hiện hiệu quả, quá trình triển khai Chương trình OCOP của Quảng Nam sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc triển khai thực hiện OCOP Quảng Nam cho cán bộ và nhân dân; đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết của cấp ủy các cấp, chính quyền; thành lập Ban điều hành Chương trình OCOP ở cấp tỉnh, cấp huyện để triển khai thực hiện Chương trình OCOP, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới…

“Ngoài việc rà soát chính sách, tìm hiểu chính sách mới, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ xúc tiến thương mại, tổ chức sản xuất theo quy trình an toàn, sản xuất theo chuỗi sản phẩm sạch và chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGA…” – ông Muộn nói.

Ông Mai Đình Lợi thông tin thêm, để phát triển các sản phẩm hiệu quả, Quảng Nam sẽ hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi để phát triển HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đồng thời tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Tổ chức các lớp đào tạo; hỗ trợ xây dựng các điểm, trung tâm bán hàng kết nối nông sản với thị trường.

Đại Nghĩa - Hậu Trần

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/khuyen-nong/nhieu-giai-phap-phat-trien-chuong-trinh-ocop-911983.html