Nhiều giải pháp phát triển ngành công nghiệp 'không khói' ở huyện Quan Sơn

Huyện Quan Sơn có Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, là cửa ngõ giao thương với nước bạn Lào và là địa phương có đông đồng bào dân tộc Thái, Mường, Mông cùng sinh sống. Với truyền thống văn hóa đa dạng, đặc sắc của Lễ hội Mường Xia, di tích lịch sử cầu Phà Lò, di tích danh thắng động Bo Cúng… đã tạo cho huyện miền núi này tiềm năng lớn trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, khám phá.

Lễ hội Mường Xia ở Quan Sơn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đến với Quan Sơn du khách sẽ có dịp vãn cảnh, dâng hương tại đền thờ Tướng quân Tư Mã Hai Đào - vị tướng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ và giữ yên miền đất biên cương của non sông đất Việt. Khi tướng quân Tư Mã Hai Đào qua đời, dân Mường Xia an táng ông tại một trong những hang động của núi Pha Dùa. Năm tháng qua đi, duy còn đọng lại một điều mà người đời truyền tụng rằng: Chính tướng quân Tư Mã Hai Đào là vị thần thiêng, người có công tiến quân lên biên giới đánh đuổi quân xâm lược. Khi đất nước thanh bình, ông cai quản cửa ải biên cương và giữ cho các mường vía yên, vía lành.

Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào không gian của Lễ hội Mường Xia tổ chức vào tháng 2 âm lịch hằng năm - một lễ hội truyền thống gắn với huyền sử về cuộc đời binh nghiệp của Tư Mã Hai Đào ở thế kỷ XVII và câu chuyện tình Pha Dua thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc. Trong không gian lễ hội, du khách được chứng kiến một nghi lễ văn hóa tâm linh đặc biệt, đó là tục cúng tế “Hòn đá vía”.

Vẻ đẹp hoang sơ của động Bo Cúng thu hút nhiều du khách đến tham quan, khám phá.

Tiếp đó, du khách sẽ được khám phá vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của động Bo Cúng nằm trên địa danh bản Chanh (xã Sơn Thủy), được người dân phát hiện vào năm 2008 và đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Hang động có chiều dài gần 1.000 m, được cấu tạo bởi những nhũ đá đủ sắc màu hình khối, sinh động, lấp lánh dưới ánh điện huyền ảo như được sắp đặt một cách tài tình với nhiều hình hài, như: Tượng phật tọa trên đài sen, hình cột chống trời, hình chim đại bàng, những chùm đèn trong lâu đài tráng lệ và cả hình những suối tóc thướt tha trải dài của những cô gái đang độ đôi mươi…

Ngoài động Bo Cúng, Quan Sơn còn rất nhiều hang động khác và thác nước để du khách tham quan, như: Nang Non, Pha Bái, Co Láy, Pha Khu, suối nước nóng, thác bản Din, thác bản Nhài… tạo thành một quần thể hang động hấp dẫn du khách.

Cùng với đó, du khách được tìm hiểu kiến trúc truyền thống trong những nếp nhà sàn của người Thái, Mường; thưởng thức những món ăn được chế biến công phu từ nguồn nguyên liệu sẵn có của núi rừng; đắm mình trong những làn điệu dân ca, dân vũ, điệu múa đặc sắc; ngắm nhìn sự khéo léo của các cô gái Thái, Mường bên khung cửi dệt nên những sản phẩm thổ cẩm độc đáo; tham quan di tích lịch sử cầu Phà Lò...

Ông Lê Văn Thơ, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn, cho biết: Những năm qua huyện Quan Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng du lịch của địa phương. Huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt 5 quy hoạch về phát triển du lịch, như: Xây dựng và phát triển du lịch vùng huyện Quan Sơn; quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch động Bo Cúng; Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Quan Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030”… Trên cơ sở các quy hoạch, đề án đã được phê duyệt, huyện đã triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm du lịch.

Xác định sản phẩm du lịch chủ yếu của huyện là “Du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng”, Quan Sơn đã đưa vào khai thác các điểm đến như: điểm du lịch cộng đồng bản Ngàm; khu du lịch sinh thái động Bo Cúng; Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo.

Thời gian gần đây, huyện đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn để phục vụ khách du lịch, như: Lễ công bố quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận điểm du lịch cộng đồng bản Ngàm; công bố tour du lịch Quan Sơn – Viêng Xay (Hủa Phăn, Lào) gắn với Lễ hội Mường Xia, và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian... thu hút hàng nghìn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Hoạt động quảng bá, xúc tiến, kích cầu thu hút khách du lịch được triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức thông qua các lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tham gia các gian hàng triển lãm, hội chợ do tỉnh tổ chức; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tập huấn, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ làm du lịch trên địa bàn huyện... Hoạt động xúc tiến du lịch, quảng bá du lịch đã góp phần đưa hình ảnh du lịch Quan Sơn trở thành “điểm đến hấp dẫn” với khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Theo báo cáo của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn, 4 tháng đầu năm có 25.000 lượt khách đến với Quan Sơn, đạt 312% so với chỉ tiêu giai đoạn 2021- 2025.

Bài và ảnh: Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/nhieu-giai-phap-phat-trien-nganh-cong-nghiep-khong-khoi-o-huyen-quan-son/27123.htm