Nhiều giải pháp quyết liệt thi hành án dân sự

Công tác thi hành án dân sự của tỉnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn, một số vụ việc phải thi hành có giá trị lớn, nhưng người phải thi hành án không có tài sản, là hộ nghèo, người phải thi hành án dân sự đang chấp hành án phạt tù; một số vụ việc bán đấu giá tài sản phải giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua...

Cục Thi hành án dân sự tỉnh tặng giấy khen cho tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua quý I/2024.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh tặng giấy khen cho tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua quý I/2024.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh, cho biết: Cục đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, chi cục thi hành án dân sự các huyện, thành phố đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phân công bảo đảm nguyên tắc 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả và rõ trách nhiệm). Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bám sát tiến độ, kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ hằng tuần, hằng tháng của từng chấp hành viên và đơn vị. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công chức, người lao động các cơ quan thi hành án dân sự.

Bên cạnh đó, các phòng chuyên môn, chi cục thi hành án dân sự các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác hàng tuần, tháng phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị; thành lập các tổ công tác, tập trung nguồn lực cho các đơn vị, địa bàn trọng điểm, nhiều án, tỷ lệ án thấp. Tính đến hết tháng 4, công tác thi hành án dân sự toàn tỉnh đạt 66,64% về việc; 46,85% về tiền.

Ông Nguyễn Văn Phú, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Bắc Yên, cho biết: Đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong quá trình đôn đốc và tổ chức thi hành án dân sự. Chỉ đạo các chấp hành viên nghiên cứu kỹ hồ sơ để áp dụng điều khoản theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, tuân thủ và bám sát hướng dẫn của ngành. Đồng thời, làm tốt công tác phân loại án để có hướng giải quyết sát với thực tế, tránh án tồn mới, giảm lượng án tồn hằng năm. Trong tổ chức thi hành án, các chấp hành viên, cán bộ thi hành án thường xuyên bám sát địa bàn, xác minh chính xác điều kiện hoàn cảnh của từng đương sự, từ đó lập kế hoạch áp dụng biện pháp tổ chức thi hành phù hợp; trong đó, ưu tiên công tác vận động, giải thích, thuyết phục đương sự để họ tự nguyện thi hành án. Đến nay, đơn vị đã đạt 63,81% chỉ tiêu giao về việc, bằng 75,07% chỉ tiêu kế hoạch cả năm và đạt 47,76% chỉ tiêu giao về tiền, bằng 99,5% chỉ tiêu kế hoạch cả năm.

Còn tại huyện Mường La, ông Ngô Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện, chia sẻ: Đơn vị chỉ đạo các chấp hành viên tăng cường xác minh, rà soát, phân loại việc có điều kiện, hoặc chưa có điều kiện thi hành. Trong đó, ưu tiên tập trung giải quyết trước các vụ việc có điều kiện thi hành có giá trị lớn, các vụ việc xác định trọng điểm, phức tạp, kéo dài có thể gây bức xúc trong nhân dân; phối hợp tốt với già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ để vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án. Tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Đến nay, Chi cục đã thực hiện về việc đạt 69,08%, về tiền đạt 25,50% chỉ tiêu được giao năm 2024.

Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh tập trung rà soát, xác minh, phân loại việc, tiền thi hành án chính xác. Tích cực tham mưu cho ban chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp, tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các việc có điều kiện, giá trị phải thi hành lớn. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thi hành án, nhất là trong tổ chức thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Bài, ảnh: Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/nhieu-giai-phap-quyet-liet-thi-hanh-an-dan-su-29DCmCYSg.html