Nhiều giải pháp thực hiện nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành kế hoạch thực hiện triển khai Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (Nghị quyết sổ 121/2020/QH14).

Hoàn thiện chính sách, pháp luật

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 121/2020/QH14 nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14. Phân công, xác định rõ nhiệm vụ của các ngành, các cấp. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngay trong quý IV/2020, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013.

Tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030. Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021 – 2025. Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030

Ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, trong đó có các chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường giáo dục. Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2013/NĐ-CP và Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 của Chính phủ. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy chế phối hợp giữa hai bộ trong việc thực hiện công tác gia đình và công tác trẻ em, chú trọng việc phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình.

Bảo đảm các trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, các trẻ em bị xâm hại được áp dụng biện pháp hỗ trợ, can thiệp.

Bảo đảm các trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, các trẻ em bị xâm hại được áp dụng biện pháp hỗ trợ, can thiệp.

Bộ Y tế ban hành Quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Thủ tướng giao Bộ Công an tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Tiếp tục rà soát, hướng dẫn cụ thể công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tổ về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Ban hành Quy định về điều tra thân thiện trong các vụ án xâm hại trẻ em. Ban hành và triển khai kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành có liên quan biên soạn bộ tài liệu mẫu về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.

Chỉ đạo cơ quan cơ quan chuyên môn của ngành ở các cấp, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức thường xuyên, liên tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Trong đó chú trọng giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, hướng dẫn trẻ em nhận biết các nguy cơ xâm hại, kỹ năng phòng tránh…

Bộ Thông tin và Truyền thông, hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan truyền thông, báo chí dành các chuyên trang, chuyên mục với thời lượng và khung giờ phù hợp với trẻ em…. Đổi mới nội dung, biện pháp tuyên truyền, tăng thời lượng thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng…

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo, địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ cho học sinh, chú trọng nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh trường nội trú, bán trú, nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại. Trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên trong phòng, chống xâm hại trẻ em.…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo cơ quan chuyên môn của ngành ở các cấp, địa phương đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh trong gia đình nhằm từng bước xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và những hủ tục lạc hậu đối với trẻ em…

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, chú trọng nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật của trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu

Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em. Chỉ đạo, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em để xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em hoặc vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em mà không có các biện pháp chỉ đạo, xử lý hiệu quả.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra, kiểm tra chuyên đề việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục. Chỉ đạo, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em hoặc vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục mà không có các biện pháp chỉ đạo, xử lý hiệu quả.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thanh tra, kiểm tra chuyên đề và chỉ đạo, xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại trẻ em trong hoạt động du lịch lữ hành và bạo lực đổi với trẻ em xảy ra trong gia đình.

Bộ Thông tin và Truyền thông, thanh tra, kiểm tra chuyên đề và chi đạo, xử lý nghiêm cơ quan báo chí, xuất bản, tổ chức, cá nhân hoạt động trên môi trường mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ hình ảnh, thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.

Bộ Tư pháp thanh tra, kiểm tra chuyên đề và có biện pháp chấm dứt tình trạng nuôi con nuôi trái pháp luật. Tăng cường kiểm tra công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em, tập trung vào các vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện và chỉ đạo UBND các cấp triển khai thực hiện rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, điểu hành, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về công tác bảo vệ trė em, phòng, chống xâm hại trẻ em phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em. Tổ chức công tác phối hợp liên ngành trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh nơi công cộng, từng bước trang bị hệ thống kỹ thuật giám sát an ninh, nhất là tại khu vực trường học, cơ sở trợ giúp xã hội, chung cư, khu vui chơi, giải trí của trẻ em…

Đầu tư, phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, bảo đảm các trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, các trẻ em bị xâm hại được áp dụng biện pháp hỗ trợ, can thiệp. Tiếp tục huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho công tác trẻ em.

Tâm Phúc

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/nhieu-giai-phap-thuc-hien-nham-phong-chong-xam-hai-tre-em-56986.html