Nhiều giảng viên ở Tây Nguyên 'thất nghiệp' do không có người học

Năm học 2018-2019, hầu hết các trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) trên địa bàn Tây Nguyên lâm vào cảnh 'chợ chiều' do không thể tuyển đủ chỉ tiêu, các ngành thuộc khối THCS buộc phải đóng cửa do không có đủ người học. Nhiều giảng viên (GV) của các trường lâm vào cảnh 'ngồi chơi xơi nước'.

Chưa năm nào công tác tuyển sinh vào Trường CĐSP Gia Lai lại “bết” như năm nay. Năm học 2018-2019, nhà trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh là 375 học sinh, sinh viên (HS, SV). Tuy nhiên, đến nay khó khăn lắm, trường này mới tuyển được gần 180 HS, SV, chủ yếu ở khối tiểu học và mầm non.

Các ngành đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất,... lâm vào cảnh “chợ chiều”. Riêng khối THCS, nhà trường buộc phải tạm đóng cửa gần như toàn bộ các ngành do người học đăng ký không đủ để mở lớp.

Những thí sinh đăng ký vào các ngành này, mặc dù đủ điểm trúng tuyển nhưng do quá ít người học buộc nhà trường phải làm công tác “dân vận”, động viên các em chuyển hồ sơ đăng ký vào các ngành có số lượng thí sinh đăng ký đông hơn, đủ chỉ tiêu để mở lớp, thuộc khối tiểu học hoặc mầm non.

Không có sinh viên, nhiều giảng viên của các trường sư phạm ở Tây Nguyên lâm vào cảnh “thất nghiệp”.

Ông Trịnh Đào Chiến, Hiệu trưởng Trường CĐSP Gia Lai cho biết, vài năm gần đây, công tác tuyển sinh ngày càng gặp khó, số lượng HS, SV của nhà trường tụt giảm rất nhanh.

Nếu vẫn duy trì được số lượng học viên như trước đây, ít nhất nhà trường vẫn có thể cầm cự được. Tuy nhiên, đến năm học 2018-2019, Trường CĐSP Gia Lai tuyển chưa đạt 50% chỉ tiêu trên tổng số 375 chỉ tiêu được giao.

Trước đây, SV theo học đông, tạo động lực cho thầy cô thêm nhiệt huyết giảng dạy. Vài năm nay, không có SV, một số khoa hầu như không hoạt động, GV chỉ lên họp giao ban ngày đầu tuần rồi về. Điển hình là Khoa Tự nhiên Trường CĐSP Gia Lai, trước đây là khoa có số lượng SV đông nhất trường.

Khoa có gần 40 GV nhưng năm nay chỉ còn 14 GV được tham gia giảng dạy, số còn lại không có việc làm. “Điều này không chỉ đơn thuần là công tác tuyển sinh mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới công việc và đời sống của các GV nhà trường!...”, ông Chiến cho biết.

Theo ông Chiến, năm học 2017-2018, do không tuyển đủ chỉ tiêu nên nhà trường bị “dôi” trên 20 GV, tức không có tiết dạy. Để đảm bảo công việc, Ban giám hiệu nhà trường đã phải bố trí những GV này kiêm nhiệm thêm công việc ở các phòng, ban, để tính đủ giờ dạy.

Tuy nhiên, năm học 2018-2019, số GV “thất nghiệp” tăng đột biến, lên hơn 60 người khiến nhà trường không thể bố trí việc làm được nữa. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều GV của Trường CĐSP Gia Lai buộc phải “ngồi chơi xơi nước” dù chẳng thầy cô nào mong muốn điều này.

Tại tỉnh Lâm Đồng, Trường CĐSP Đà Lạt cũng đang lâm vào cảnh tương tự. Ông Huỳnh Linh Bảo, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt cho biết, năm học 2018-2019, mặc dù đã tìm mọi cách nhưng nhà trường cũng chỉ tuyển được 158 tân SV trên tổng số 275 chỉ tiêu.

Theo ông Bảo, so với mặt bằng chung của các Trường CĐSP trên địa bàn Tây Nguyên và một số tỉnh khu vực phía Nam, đây là con số không đến nỗi nào.

Tuy nhiên, ông Bảo cũng cho biết, công tác tuyển sinh khối THCS của nhà trường đang “lâm nguy”, thậm chí có những khoa suốt mấy năm qua không tuyển được SV, buộc phải tạm dừng hoạt động. Riêng khối Mầm non và Tiểu học, do nhu cầu của người học vẫn còn nên hằng năm về cơ bản nhà trường vẫn tuyển đủ SV để mở lớp.

Trong năm học này, toàn bộ GV tổ Vật lý của trường lâm vào giai đoạn “thất nghiệp” vì không tuyển sinh được, mở đầu cho thời kỳ gặp khó khăn về việc làm cho các GV và nhà trường.

Những GV không có HS, SV để dạy hiện đã được Ban giám hiệu Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt tạm thời bố trí về nhận công tác ở các phòng, ban, để cho đủ giờ đứng lớp.

Cả Hiệu trưởng 2 Trường CĐSP Gia Lai và CĐSP Đà Lạt đều cho biết, nguyên nhân chính khiến các trường CĐSP gặp khó trong công tác tuyển sinh là do năm học này, Bộ GD&ĐT đưa ra quy định điểm sàn đối với ngành Sư phạm, hệ ĐH là 17 điểm, CĐ là 15, Trung cấp là 13 nhằm nâng cao lượng đầu vào của ngành... “trồng người”.

Với số điểm này, thí sinh hoàn toàn có thể trúng tuyển vào các trường ĐH, tiếng sẽ “oai” hơn học CĐ. Chính vì vậy, những năm trước, công tác tuyển sinh của các trường mặc dù vẫn gặp khó khăn nhưng về cơ bản có thể duy trì được các ngành, dù là thiếu chỉ tiêu.

Đến năm học 2018-2019, do “vướng” quy định điểm sàn ngành Sư phạm của Bộ GD&ĐT nên lượng thí sinh đăng ký vào các trường CĐSP tụt giảm rất mạnh. Cùng với đó, SV trường CĐSP ra trường khó tìm được việc làm cũng đã ảnh hưởng ít nhiều tới định hướng, tâm lý người học.

Hiện, Trường CĐSP Đà Lạt đang có 130 cán bộ, GV; Trường CĐSP Gia Lai có 100 cán bộ, GV. Theo ông Trịnh Đào Chiến, Hiệu trưởng Trường CĐSP Gia Lai, số GV dôi dư không được bố trí kiêm nhiệm sau 3 tháng sẽ bị cắt tiền đứng lớp. Như vậy, hơn 60 GV của trường chỉ còn lương từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Trước tương lai ngày càng ảm đạm trong công tác tuyển sinh, Trường CĐSP Gia Lai đã trình Sở GD&ĐT tỉnh này để đề xuất UBND tỉnh Gia Lai đề án thành lập Trường Phổ thông thực hành chất lượng cao, tự chủ, thuộc Trường CĐSP Gia Lai.

Những GV của nhà trường sẽ được phân công hoặc kiêm nhiệm công tác giảng dạy ở trường này. “Có như vậy mới giải quyết được việc làm cho các GV đang thất nghiệp trong thời buổi tuyển sinh gặp khó khăn như hiện nay”, ông Chiến nói.

Trong khi đó, Trường CĐSP Đà Lạt lại đang hi vọng Bộ GD&ĐT sẽ bỏ hoặc hạ điểm sàn ngành Sư phạm để trường này tuyển sinh thuận tiện hơn. Tuy nhiên, nếu hạ hoặc bỏ điểm sàn ngành Sư phạm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của ngành... “trồng người”, đây đang làm vấn đề mà xã hội đặc biệt quan tâm trong những năm qua.

Khắc Lịch

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/nhieu-giang-vien-o-tay-nguyen-that-nghiep-do-khong-co-nguoi-hoc-516460/