Nhiều giảng viên Trường Nhân văn TP.HCM có mức lương dưới 4 triệu đồng

Đó là thông tin được ông Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết tại buổi gặp vỡ báo chí về chương trình kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM diễn ra sáng nay, 12/9.

Ông Sen cho biết, theo một điều tra về thu nhập, trong số 984 giảng viên của trường có khoảng 70 người có mức lương dưới 4 triệu đồng/tháng.

Trường có ý muốn trợ cấp thêm thu nhập nhưng có trên 30 người từ chối vì nhà có công ty riêng. Chỉ còn hơn 30 người có mức lương thấp, nhưng so với tổng số giảng viên thì con số này không đáng kể.

Dưới 4 triệu đồng/tháng là mức lương theo quy định; ngoài ra giảng viên còn có thêm thu nhập khác như dạy thêm ngoài giờ, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học (trả trực tiếp...).

Ông Võ Văn Sen tại buổi họp báo.

Ông Võ Văn Sen tại buổi họp báo.

Cũng theo ông Sen, hiện tại trường đã giảm tối đa hệ vừa làm vừa học từ 8.000 sinh viên xuống còn 3.000.

Hệ này được xem là "bầu sữa” của giảng viên; nhưng việc giảm chỉ tiêu không ảnh hưởng tới thu nhập vì thầy cô có thu nhập bù từ công việc khác.

Giải thích về hiện tượng giảng viên đại học của trường đi dạy cho các trường khác, ông Sen bày tỏ:

“Chúng tôi không thể cấm chuyện này, vì đây là khó khăn chung của trường đại học Việt Nam hiện nay. Chúng tôi không thể bắt các giảng viên phải toàn tâm toàn ý cho trường mình vì ngay cả Trường ĐH Quốc tế - trả lương giảng viên tới hơn 20 triệu mỗi tháng - cũng không cấm được giảng viên đi dạy ở trường khác. Bởi, dẫu có trả cao như mức trên cũng “thua rất xa” mức thu nhập khi dạy thêm, thậm chí còn không bằng những trường chỉ trả lương 7- 8 triệu mà cho giảng viên đi dạy bên ngoài".

Theo ông Sen, xảy ra hiện tượng giảng viên "chạy sô" là do số lượng giảng viên có trình độ quá ít, lại chủ yếu tập trung ở các trường công lập.

Đặc biệt có nhiều trường đại học chỉ có 5-10 tiến sĩ cơ hữu trong khi có hàng chục ngàn sinh viên; vì vậy phải “mượn” tên giảng viên trường khác, nhất là trường tư “mượn” trường công.

Cũng theo ông Sen, Luật Giáo dục hiện nay chỉ quy định nếu giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ tại chỗ sẽ không được đi dạy nơi khác.

Trường chỉ có biện pháp duy nhất là quy định về nghiên cứu như công bố khoa học, số lượng giờ giảng để giảng viên hoàn thành nhiệm vụ. Khi đã hoàn thành, giảng viên có thể đi làm thêm bên ngoài.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM sẽ thực hiện giảm quy mô đào tạo ở các hệ chính quy và vừa học hệ làm, nhưng sẽ tăng quy mô hệ sau đại học để phát triển trường theo định hướng nghiên cứu.

Trong kỳ tuyển sinh năm 2017 chỉ tiêu của trường là 2.850 thí sinh.

Trường đã tuyển được 2. 750 thí sinh chứ không sử dụng hết số chỉ tiêu còn lại.

Theo ông Sen, có thể chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của trường sẽ cố định ở mức 2.700 đến 2.800 thí sinh.

Theo VietNamNet

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/nhieu-giang-vien-truong-nhan-van-tphcm-co-muc-luong-duoi-4-trieu-dong-2017091216012317.htm