Nhiều hãng xe điện Trung Quốc càng bán càng lỗ, tương lai u ám

Giá nguyên liệu tăng, khó khăn về tài chính… khiến nhiều hãng xe điện nhỏ tại Trung Quốc gặp khó. Nhiều thương hiệu nhỏ có thể đối mặt với tình trạng phá sản.

Trong vòng chưa đầy một tháng qua, hàng loạt hãng xe điện trên thế giới thông báo tăng giá sản phẩm. Giữa tháng 3, Tesla cho biết tăng giá toàn bộ xe 5-10% tại Mỹ. Đầu tháng 3, Rivian, công ty có tham vọng cạnh tranh Tesla thông báo tăng giá xe tới 20%, sau đó phải rút lại kế hoạch vì bị phản đối.

Tại Trung Quốc, Xpeng, công ty khởi nghiệp xe điện của Trung Quốc, đã tăng giá xe từ 10.000-20.000 tệ (khoảng 1.500-3.000 USD). Giá xe BYD và WM Motors cũng tăng cao.

Giá nguyên liệu tăng vọt, hãng càng bán càng lỗ

Dù giá tăng, nhu cầu sở hữu xe điện trên toàn cầu là rất lớn, đặc biệt là tại các thị trường như Trung Quốc. Trong 2 tháng đầu năm, lượng xe bán ra ở Trung Quốc tăng 153,2% so với cùng kỳ 2021, theo số liệu từ Hiệp hội ôtô du lịch Trung Quốc.

“Nhu cầu mua xe điện gần như không bị ảnh hưởng. Phần lớn những người có ý định mua xe điện đã chấp nhận sẵn mức giá cao hoặc sẽ chọn dòng xe giá rẻ hơn để phù hợp với túi tiền của mình”, Jason Low, nhà phân tích tại Canalys chia sẻ với CNBC.

Mẫu Wuling Mini bán được tới gần 400.000 xe tại Trung Quốc trong năm 2021, nhưng chỉ lãi 14 USD/xe.

Trong khi nhu cầu tăng cao, các hãng xe hơi đang phải đối mặt với tình trạng giá nguyên liệu thô như pin tăng cao và thiếu hụt vật liệu bán dẫn toàn cầu. Cụ thể, giá pin Li-on tăng đến 400% so với năm ngoái, công ty Benchmark Mineral Intelligence cho biết.

Giá của niken, một trong những nguyên liệu quan trọng để sản xuất pin xe điện, cũng tăng mạnh và đầy biến động do chiến sự tại Ukraine, ảnh hưởng lớn đến thị trường ôtô điện.

Dù nhu cầu mua của khách hàng không có dấu hiệu chững lại, nhiều công ty ôtô điện, đặc biệt là những thương hiệu ít tên tuổi hoặc sản xuất dòng xe giá rẻ, lo ngại khi phải tăng giá xe.

Các hãng xe tầm trung hoặc cấp thấp có thể sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn chạy theo chi phí sản xuất gia tăng

Bill Russo, CEO công ty tư vấn Automobility Limited

“Các hãng xe tầm trung hoặc cấp thấp có thể sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn chạy theo chi phí sản xuất gia tăng. Vì vậy, họ sẽ phải giảm biên lợi nhuận, hoặc chấp nhận bỏ bớt một vài sản phẩm”, Bill Russo, CEO công ty tư vấn Automobility Limited nhận định với CNBC.

Ora, thương hiệu xe điện của Great Wall Motors (GWM), đã phải ngừng sản xuất 2 mẫu xe của mình. Hãng cho biết dòng xe giá rẻ Ora Black Cat lỗ 10.000 tệ/chiếc do giá nguyên liệu thô tăng cao.

Theo Russo, một vài hãng xe sẽ có thể bị đào thải khỏi thị trường vì chịu ảnh hưởng của chuỗi cung ứng.

“Các hãng nhỏ lẻ sẽ phải dừng lại cuộc chơi tại đây. Khi đó, thị trường sẽ chỉ còn lại những hãng xe điện lớn”, ông Russo nhận định.

Sau tăng trưởng nóng là bài toán tài chính

Thị trường xe điện tại Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong vài năm qua, và ngày càng “gặm” vào thị phần xe động cơ đốt trong. Năm 2021, số liệu từ Hiệp hội ôtô du lịch Trung Quốc cho thấy có tới 3 triệu xe dùng năng lượng tái tạo được bán tại Trung Quốc, chiếm 14,8% trong số 20,15 triệu tổng số xe.

Theo ước tính của ngân hàng HSBC và UBS, 3/5 xe mới bán ra vào năm 2030 tại Trung Quốc sẽ là xe điện, đồng nghĩa với thị trường 360 tỷ USD với mức giá xe trung bình 20.000 USD.

Những con số hấp dẫn này khiến nhiều hãng xe lao vào mảng xe điện. Thậm chí, các hãng công nghệ cũng muốn một phần của miếng bánh khi hợp tác với những hãng xe truyền thống để cùng phát triển xe điện. Theo SupChina, có 30 thương hiệu xe điện tại Trung Quốc, và 11 hãng phát triển phần mềm cho mảng này, gồm nhiều tên tuổi công nghệ như Foxconn, Tencent, Alibaba.

Doanh thu tăng kỷ lục, nhưng hãng xe điện XPeng vẫn lỗ hàng trăm triệu USD mỗi quý. Ảnh: Xpeng.

Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng cùng biến động về giá cả trong thời gian qua khiến không ít hãng xe điện Trung Quốc lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí phá sản dù đặt nhiều tham vọng lớn lao.

XPeng, hãng xe điện được mệnh danh là “Tesla của Trung Quốc”, vừa báo cáo mức lỗ 202 triệu USD trong quý IV/2021. Tỷ suất lợi nhuận gộp của hãng trong mảng xe ôtô đã giảm từ 13,6% trong quý III xuống còn 10,9% trong quý IV/2021 do thiếu hụt chuỗi cung ứng và giá thành vật liệu tăng.

Tương tự với các nhà sản xuất ôtô khác, khâu sản xuất của XPeng cũng bị gián đoạn do tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu trong năm 2021. Tình hình này khiến lượng xe bán ra thị trường không đủ để cung cấp cho nhu cầu cao của thị trường xe điện.

“Những nhà sản xuất có quy mô lớn như Tesla, BYD hay hãng ôtô truyền thống chuyển sang mảng xe điện như Volkswagen đã xây dựng cho mình tiềm lực cung ứng mạnh mẽ. Điều này sẽ giúp các hãng vượt qua tình trạng tắc nghẽn và tăng giá nguyên liệu”, Russo khẳng định.

Những bài học trong quá khứ

Nhiều hãng xe điện khác của Trung Quốc không đủ tiềm lực tài chính, hoặc sản phẩm kém chất lượng dẫn tới phá sản. Nước này không có hồ sơ công khai về các vụ phá sản, nhưng từ năm 2020, ít nhất 10 nhà sản xuất xe điện được cho đã hoạt động kém hiệu quả hoặc phải tái cơ cấu để tránh vỡ nợ. Byton và Bordrin là những ví dụ điển hình.

Được thành lập năm 2016 bởi cựu lãnh đạo BMW và Nissan Motor, Byton (tên ban đầu là Future Mobility) tận dụng chính sách trợ cấp của chính quyền địa phương nhằm hiện thực hóa giấc mơ đưa Trung Quốc thành cường quốc xe điện.

Dù lãnh đạo thời đầu từng giữ chức cao tại BMW và Nissan, thương hiệu Byton cũng không thể thành công. Ảnh: Getty.

Những nhà đầu tư ban đầu của Future Mobility gồm Foxconn và Tencent. Năm 2017, Future Mobility đổi tên thành Byton sau khi nhận được 240 triệu USD tài trợ từ tập đoàn bán lẻ Suning và Fullshare Holdings.

Một năm sau, tập đoàn FAW (thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc) đã huy động 500 triệu USD cho Byton, ký kết các hợp đồng mua linh kiện và công nghệ. Tháng 9/2018, Byton mua lại một đơn vị của FAW với giá 133 triệu USD nhằm sở hữu giấy phép sản xuất xe hơi.

Byton gặp căng thẳng về tài chính từ tháng 9/2019 do không thể vượt qua vòng gọi vốn do FAW dẫn đầu. Đại dịch và nhiều lý do khác khiến rắc rối của FAW ngày càng lớn. Công ty này tuyên bố đình chỉ mọi hoạt động trong nước, cho nhân viên nghỉ phép từ tháng 7/2020. CEO Daniel Kirchert cũng rời Byton để chuyển sang Evergrande NEV.

“Cứu tinh” của Byton xuất hiện vào tháng 1/2020 khi công ty đạt thỏa thuận với Foxconn để sản xuất hàng loạt xe điện M-Byte, từng được lên kế hoạch sản xuất hàng loạt vào năm 2019.

Tuy nhiên, Foxconn nhanh chóng rút đầu tư sau vài tháng. Chính quyền thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô cũng ngừng trợ cấp cho Byton từ tháng 9/2021. Khó khăn tài chính khiến nhà máy đột ngột dừng hoạt động, nhân công không được trả lương.

Các hãng nhỏ lẻ sẽ phải dừng lại cuộc chơi tại đây. Khi đó, thị trường sẽ chỉ còn lại những hãng xe điện lớn

Bill Russo, CEO công ty tư vấn Automobility Limited

Tháng 11/2021, một tòa án tại Nam Kinh đã tổ chức phiên điều trần theo yêu cầu của Shanghai Huaxun Network System, chủ nợ của Byton đã nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản đối với công ty.

Bordrin, do cựu Giám đốc Ford Huang Ximing thành lập năm 2016 đặt mục tiêu sản lượng hàng năm 700.000 xe tại 3 nhà máy. Nhưng công ty đã cạn vốn và phải đóng cửa trước khi sản xuất dù chỉ một chiếc ôtô. Ông Huang cũng đã mất tích và không thể liên lạc được.

Tại Triển lãm Ôtô Thượng Hải diễn ra tháng 4/2021, Evergrande NEV, công ty con thuộc tập đoàn bất động sản Evergrande đã giới thiệu 9 ý tưởng xe điện thuộc thương hiệu Hengchi. Chủ tịch Hui Ka Yan tuyên bố rằng muốn bán 1.000.000 xe điện mỗi năm vào năm 2025.

Trong khi đó, hãng Evergrande EV lại gặp khó khăn khi cổ đông lớn, tập đoàn bất động sản Evergrande bị điều tra. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, nợ nần của công ty mẹ Evergrande khiến bộ phận xe điện gặp nhiều khó khăn. “Công ty đang đối mặt với tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng. Do áp lực thanh khoản, công ty đã ngừng thanh toán một số chi phí hoạt động và một số nhà cung cấp đã ngừng cung ứng thiết bị cho nhiều dự án”, Evergrande NEV cho biết trong báo cáo ngày 24/9/2021. Trước đó một tháng, Evergrande thông báo kế hoạch bán một số tài sản thuộc bộ phận xe điện.

Theo Nikkei, nhà chức trách Trung Quốc từ lâu đã cảnh giác về chất lượng xe điện giảm sút do cạnh tranh quá mức. Phương tiện chở người đứng đầu danh sách các mặt hàng cần xem xét kỹ trước khi phê duyệt sản xuất, đòi hỏi năng lực tổ chức và tài chính để đảm bảo duy trì lâu dài.

Evergrande sở hữu hơn 60% cổ phần của Evergrande NEV. Việc bán tài sản và các hoạt động kinh doanh liên quan đến xe điện có thể giúp giảm bớt một số khoản nợ của công ty bất động sản. Tuy nhiên, không dễ tìm được người mua tài sản của một thương hiệu chưa sẵn sàng gia nhập thị trường.

Phúc Thịnh - Thúy Liên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-hang-xe-dien-trung-quoc-cang-ban-cang-lo-tuong-lai-u-am-post1306404.html