Nhiều hậu quả khôn lường từ mất cân bằng giới tính khi sinh, tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân

Quan niệm 'trọng nam, khinh nữ', có con trai để cúng thờ tổ tiên… đã dẫn đến tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh. Nhiều hệ lụy liên quan đến mất cân bằng giới tính khi sinh mà người dân chưa thấu hiểu…

Mất cân bằng giới tính đặc biệt cao ở lần sinh thứ 3 trở lên

Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) tự nhiên là 104-106 bé trai/100 bé gái. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, TSGTKS của Việt Nam là 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái được sinh ra, cho thấy mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh rất cao.

Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất, đặc biệt cao ở lần sinh thứ 3 trở lên: Theo số liệu ca sinh trong giai đoạn 2010-2014, tỷ suất giới tính khi sinh của lần sinh thứ nhất là 110 bé trai/100 bé gái tại Việt Nam; không tăng đối với những ca sinh ở lần sinh thứ 2 và chỉ tăng ở lần sinh tiếp theo như lần sinh thứ 3 trở lên ở mức 119 bé trai/100 bé gái.

Mất cân bằng giới tính khi sinh đặc biệt cao ở lần sinh thứ 3 trở lên.

Với những cha mẹ đã có hai con nhưng chưa có con trai, xác suất sinh thêm con lên đến 48% sau 10 năm. Tuy nhiên, đối với cha mẹ đã có hai con trai, hoặc đã "đủ nếp đủ tẻ", tỷ lệ này chỉ chiếm lần lượt là 22% và 23%. Như vậy, cha mẹ không có con trai có tỷ lệ sinh thêm con cao gấp đôi.

Nhu cầu sinh con trai đặc biệt cao tại các vùng phía Bắc và trong các nhóm dân số có điều kiện kinh tế và học thức tốt hơn. Tỷ số giới tính khi sinh mất cân bằng ở lần sinh đầu tiên là nguyên nhân gây thiếu hụt khoảng 30% trẻ em gái tại Việt Nam, một tỷ lệ cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) thường do ba yếu tố sau chi phối: Tâm lý ưa thích có con trai khiến lựa chọn giới tính thiên lệch về giới; qui mô gia đình nhỏ và mức sinh giảm dẫn đến việc lựa chọn giới tính dựa trên định kiến giới và công nghệ mới cho biết giới tính thai nhi khiến lựa chọn giới tính trở nên khả thi…

Nhiều hệ lụy từ mất cần bằng giới tính khi sinh

Tình trạng này đã dẫn đến nam giới đến tuổi kết hôn nhưng không lấy được vợ vì thiếu phụ nữ, dễ dẫn đến gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ; tăng tệ nạn mại dâm, hiếp dâm phụ nữ… tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh xã hội, gây bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội.

Với thực trạng về mức sinh cơ cấu dân số cũng như tỷ số giới tính khi sinh cao như hiện nay, cơ cấu dân số trong tương lai sẽ có sự thay đổi theo hướng già hóa và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi. Mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh hiện tại sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu dân số trong tương lai như dư thừa số lượng nam thanh niên.

Các hệ lụy và tác động của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với sự phát triển bền vững đất nước có thể được nhìn nhận dưới các góc độ. Trước hết, khi lựa chọn sinh con trai, có nghĩa là các cặp vợ chồng đã tước đi quyền sống của những bé gái. Trong khi đó, một trong những quyền con người cơ bản – quyền được sống của những thai nhi là gái đã không được đảm bảo. Đặc biệt, càng lựa chọn giới tính thai nhi là nam thì có nghĩa là vấn đề bất bình đẳng giới ở Việt Nam còn rất nặng nề.

Truyền thông về giới tính cho người dân.

Bất bình đẳng giới nó sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề như: Người phụ nữ không có được vị thế, người phụ nữ không có được tiếng nói, người phụ nữ không phát huy được vai trò của mình trong sự phát triển của xã hội nói chung.

Tiếp đến là tình trạng "thừa nam giới, thiếu nữ giới" trong độ tuổi kết hôn. Điều này có nghĩa là, với chế độ hôn nhân "một vợ, một chồng" nhưng nam nhiều hơn nữ thì đương nhiên, hàng triệu nam giới sẽ phải sống độc thân; cấu trúc gia đình vợ - chồng, cha mẹ - con cái bị phá vỡ.

Do nam giới không thể kết hôn hoặc kết hôn muộn, tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân sẽ tăng lên, nguy cơ lan rộng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục trong đó có HIV/AIDS. Bên cạnh đó, tính chung trong dân số, nếu số trẻ em trai mà nhiều hơn trẻ em gái, khi bước vào độ tuổi 20 - độ tuổi kết hôn, cơ cấu hôn nhân và gia đình sẽ rất bất hợp lý.

Hệ lụy tiếp theo mà Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt là gia tăng các vụ bạo hành giới (thể chất, tinh thần, tình dục) mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ; tăng cao nguy cơ số vụ ly hôn. Hậu quả của bạo lực giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe (thể chất, tinh thần) của người phụ nữ, đặc biệt là sức khỏe sinh sản; ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình và cả những dư chấn tâm lý tác động đến con cái…

Tiếp tục nâng cao nhận thức thay đổi hành vi để ứng phó với mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một trong những mục tiêu cụ thể là giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt khoảng 107 bé trai/100 bé gái sau năm 2025, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Do đó cần tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Đề án cũng nêu rõ:

- Cung cấp đầy đủ, thường xuyên các thông tin về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng này cho lãnh đạo các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và người có uy tín trong cộng đồng…

-Triển khai đồng bộ có hiệu quả các hoạt động truyền thông cho các cặp vợ chồng, những người đứng đầu dòng họ và gia đình, nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và những người cung cấp dịch vụ có liên quan về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, lựa chọn giới tính thai nhi, nhất là giới và bình đẳng giưới bằng các hình thức tiếp cận và thông điệp phù hợp…

Mời độc giả xem thêm video:

Xuân Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//nhieu-hau-qua-khon-luong-tu-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-tiep-tuc-nang-cao-nhan-thuc-cho-nguoi-dan-169211125181446297.htm