Nhiều hồ chứa nước có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão

Trước mùa mưa bão, có nhiều hồ chứa nước ở 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đứng trước nguy cơ mất an toàn, theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT).

Nhiều hồ chứa nước tại Thừa Thiên Huế tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Vừa qua, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Lợi đã đi kiểm tra và làm việc với UBND 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị về công tác đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa trước mùa mưa bão 2018.

Tại Thừa Thiên Huế, tính đến thờiđiểm năm 2018, toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 6 hồ chứa thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3. Trong 56 hồ chứa thủy lợi, có 22 hồ chứa nước lớn, vừa và nhỏ do các đơn vị chuyên ngành quản lý, còn lại do địa phương quản lý.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh này cũng đang thi công 7 công trình thủy điện, gồm: A Lin B1, A Lin B2, A Lin Thượng, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, sông Bồ và Thượng Nhật.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế, trong số 56 hồ thủy lợi trên địa bàn thì có 22 hồ có hiện tượng trượt mái hạ lưu, đập chính có thấm nhẹ cục bộ, mái đập thượng lưu xuống cấp do chưa được gia cố, cống lấy nước bị rò rỉ, nhà trạm quản lý xuống cấp. Trong đó, các hồ Khe Ngang, Khe Bội, A Lá, Khe Nước, Cây Mang… có nhiều dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh đã tiến hành các thủ tục đầu tư sửa chữa nâng cấp 9 hồ gồm: Phú Bài 2, Ka Tư, Tà Rinh, Nam Lăng, Cừa, Phụ Nữ, Khe Rưng, Cây Cơi, Ba Cửa dự kiến sẽ khởi công cuối năm 2018. UBND tỉnh cũng phê duyệt dự án nâng cấp sửa chữa hồ Thọ Sơn, thị xã Hương Trà với kinh phí 31,4 tỷ đồng gồm các hạng mục: nâng cấp đập chính, sửa chữa tràn xả lũ và đường quản lý, nâng cấp hệ thống kênh tưới. Riêng đập ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long trên sông Hương hệ thống 15 cửa tự động đóng mở bị xuống cấp; thép ăn mòn cần thay mới, nhà quản lý bị xuống cấp, lòng dẫn bị bồi lấp chưa có kinh phí sửa chữa nâng cấp.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên được lý giải là do thiếu kinh phí, công tác thực hiện bảo đảm an toàn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vì vậy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí 153 tỷ đồng đầu tư nâng cấp sửa chữa 10 hồ chứa gồm: Khe Ngang, Khe Bội, A Lá, Khe Nước, Cây Mang, Khe Râm, La Ngà, Cơn Thộn, Hòa Mỹ, Truồi và đập ngăn mặn Thảo Long.

Tại Quảng Trị, theo báo cáo thì hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 131 hồ chứa nước, trong đó có những hồ đập lớn như Trúc Kinh, La Ngà và Bảo Đài với dung tích mỗi hồ từ 25 triệu - 40 triệu m3. Theo ông Tỉnh thì có đến 114 hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Đó đều là những hồ, đập nhỏ, được đắp bằng đất và giao cho địa phương quản lý. Những công trình hồ, đập này đều có tuổi đời cao, quá trình khai thác sử dụng đã xuống cấp, khó chống chịu được với thiên tai, mưa bão.

Bên cạnh đó, theo Sở NN&PTNT Quảng Trị, hiện nay ngoài đập tràn Nam Thạch Hãn xuống cấp nghiêm trọng, Quảng Trị còn có 39 hồ, đập khác bị hư hỏng, mất an toàn cao trong mùa mưa lũ.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Tỉnh đề nghị các tỉnh rà soát tổng thể lập danh mục, phân loại các công trình hồ xuống cấp theo mức độ hư hỏng để đề xuất Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục cần sửa chữa. Địa phương cần phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án phòng chống lụt bão, kịch bản ứng phó trước những tình huống khẩn cấp.

CAO TIẾN (tổng hợp)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nhieu-ho-chua-nuoc-co-nguy-co-mat-an-toan-truoc-mua-mua-bao-d78630.html