Nhiều hộ dân sống thấp thỏm bên bờ sông sạt lở

Năm 2018, tuyến đường bê tông chống lũ sông La Châu Trong được chính quyền và người dân thôn La Châu, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đầu tư kinh phí xây dựng, với chiều dài khoảng 1,4km. Đây là tuyến giao thương huyết mạch nối La Châu về xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, tạo điều kiện phát triển kinh tế, khởi sắc diện mạo một vùng quê.

Thế nhưng, hiện nay bờ sông La Châu Trong bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào bên dưới lớp bê tông tạo nên những hàm ếch rất nguy hiểm. Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương phải dùng cọc tre gia cố và cắm biển cảnh báo người đi đường.

Ông Phan Văn Phải (60 tuổi) có nhà nằm bên tuyến đường bê tông cho biết, từ mùa mưa lũ cuối năm 2019 bờ sông đã bị sạt lở, nhiều điểm sạt lở ăn sâu vào khiến cho tuyến đường có khả năng bị đổ sụp xuống sông. Và, nếu không có biện pháp kè sông thì không chỉ tuyến đường mà cả những nhà dân sát tuyến đường cũng sẽ bị sông “nuốt” trôi.

Chính quyền và nhân dân cắm biển cảnh báo những điểm sạt lở uy hiếp đường bê tông dọc sông La Châu Trong.

Chính quyền và nhân dân cắm biển cảnh báo những điểm sạt lở uy hiếp đường bê tông dọc sông La Châu Trong.

Tương tự, hơn 1,1km đường bê tông nông thôn nằm bên sông La Châu Ngoài cũng bị sụt lún, nứt nẻ nhiều điểm. Theo ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung, ngoài việc nối liền giao thương, tuyến đường bê tông dọc sông La Châu Trong và La Châu Ngoài còn có nhiệm vụ chống lũ. Nay đường đang có nguy cơ sạt lở, nhưng kinh phí làm kè vượt khả năng của địa phương nên chưa thể thực hiện.

“Kinh phí làm kè ở mỗi khu vực này khoảng 14 tỷ đồng, nên chính quyền chỉ có thể huy động người dân gia cố tạm bợ bằng cọc tre, làm biển cảnh báo cắm tại những vị trí sạt lở. Địa phương cũng đã báo cáo lên huyện, tỉnh đề nghị bố trí kinh phí xây dựng kè để bảo vệ đường giao thông và các khu dân cư ven sông, song chưa có hồi âm”, ông Vinh nói.

Tại bờ Bắc sông Vệ, đoạn từ thị trấn Sông Vệ đến xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa), bờ sông cũng bị sạt lở gần 2km đe dọa khu dân cư các thôn Đông Mỹ, Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp và nhiều cơ sở hạ tầng trong vùng. Theo người dân địa phương, do bờ Nam sông Vệ, thuộc huyện Mộ Đức, hiện đã được xây dựng bờ kè kiên cố, khiến sông bị thay đổi dòng chảy dẫn đến xói mòn, sạt lở bờ Bắc.

Ông Bùi Đức Thái, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 169 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài gần 148km; mức độ sạt lở bình quân theo chiều ngang từ 5-10m, có những nơi lên đến hơn 30m; phần lớn tập trung ở các huyện ven biển và các sông lớn như Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu…

Các điểm sạt lở đã được kiểm tra, đánh giá mức độ sạt lở. Một số điểm đã được đầu tư xây dựng kè kiên cố, một số điểm như bờ Bắc sông Vệ và các nhánh sông Vệ đang được làm hồ sơ để thi công. Tuy nhiên, cũng có những khu vực sạt lở hiện chưa có kinh phí xây dựng kè.

“Trong khi chờ các cấp phân bổ nguồn kinh phí để gia cố, làm bờ kè thì các điểm sông này tiếp tục bị sạt lở khiến nhân dân lo lắng, các cấp chính quyền địa phương cần chủ động các biện pháp chống sạt lở tạm thời, ngăn chặn không cho sạt lở mở rộng. Nhất là trong mùa mưa lũ, chính quyền các địa phương cần tập trung theo dõi để sơ tán nhân dân đến nơi an toàn khi có tình trạng sạt lở mở rộng”, ông Thái khuyến cáo.

Hà Vy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/nhieu-ho-dan-song-thap-thom-ben-bo-song-sat-lo-585884/