Nhiều hoạt động thiết thực ở Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ sinh học Thanh Hóa

(THO) - Cùng với việc thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ sinh học Thanh Hóa đã phối hợp với các tổ chức trong và ngoài tỉnh khảo nghiệm và hoàn thiện quy trình trồng một số giống hoa lily, lưu giữ và nhân giống hoa đồng tiền, phục tráng và nhân nhanh giống bưởi Luận Văn và xây dựng quy trình trồng bưởi Luận Văn; chọn, ươm, nhân giống và trồng khảo nghiệm cây mây nếp tại huyện Như Thanh; lưu giữ, nhân nhanh giống chuối tiêu sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật... Ngoài ra, trung tâm còn chủ động liên kết, phối hợp đưa nhiều ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, như dạy nghề trồng nấm cho nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; tập huấn kỹ thuật nuôi trồng nấm linh chi, nấm sò, nấm rơm cho phụ nữ tại các xã ở các huyện Đông Sơn, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Triệu Sơn, Ngọc Lặc... Phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ Học viện Nông nghiệp - Hà Nội triển khai thí điểm mô hình doanh nghiệp nhỏ liên kết với các hộ nghèo sản xuất lúa - nấm tại huyện Hoằng Hóa, phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân xây dựng mô hình trồng tái nhiễm thâm canh giống bưởi đặc sản Luận Văn, quy mô 6 ha...

Những hoạt động trên của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ sinh học Thanh Hóa đã và đang đóng góp một phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, nhất là giải quyết nhu cầu về giống, quy trình sản xuất.

L.P.S

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/6q0lj4/new-article.aspx