Nhiều kết quả đạt được từ chiến dịch nâng cao nhận thức ATGT

Ngày 13/5, Hội thảo tổng kết Chiến dịch nâng cao nhận thức an toàn giao thông (ATGT) đường bộ được tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, thuộc Chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành giao thông vận tải sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia thông qua Chương trình Aus4Transport.

Ban Quản lý Dự án 2 (PMU2) thay mặt Bộ GTVT điều phối tổng thể việc triển khai, quản lý, giám sát hoạt động của chiến dịch.

Chiến dịch nâng cao nhận thức an toàn giao thông đường bộ nhằm nâng cao nhận thức và thực hành về ATGT, phòng tránh tai nạn giao thông của cộng đồng và người tham gia giao thông trên các tuyến đường dự án đầu tư.

Chiến dịch nâng cao nhận thức an toàn giao thông đường bộ nhằm nâng cao nhận thức và thực hành về ATGT, phòng tránh tai nạn giao thông của cộng đồng và người tham gia giao thông trên các tuyến đường dự án đầu tư.

Chiến dịch nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong việc cải thiện ATGT đường bộ và phúc lợi xã hội khu vực dự án. Đồng thời, nâng cao nhận thức và thực hành về ATGT, phòng tránh tai nạn giao thông của cộng đồng và người tham gia giao thông trên các tuyến đường dự án đầu tư.

Cùng đó, tăng cường năng lực tuyên truyền, truyền thông ATGT của các tổ chức, đoàn thể địa phương để đảm bảo công tác truyền thông về ATGT được đảm bảo sau khi tuyến đường đưa vào khai thác. Mặt khác, đáp ứng các yêu cầu của dự án, bao gồm cả kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số.

Diễn ra từ tháng 1/2023 – 4/2024, chiến dịch được thực hiện trên địa bàn 7 huyện dự án (Văn Yên, Văn Chấn, Văn Bàn, Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Lai Châu) của 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu.

Sau hơn một năm triển khai, chiến dịch đã đạt được 100% các hoạt động mục tiêu, thậm chí vượt kỳ vọng ban đầu.

Tiêu biểu, đã tổ chức hội thảo với đại diện các bên liên quan, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương tại 3 tỉnh và 7 huyện cho 305 người, với 43,6% nữ.

Chiến dịch đã tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho 334 người (48% nữ) là cán bộ truyền thông cộng đồng của các tổ chức đoàn thể tại huyện, xã, giáo viên nhà trường và cán bộ ATGT của nhà thầu, tư vấn giám sát về kiến thức, kỹ năng truyền thông ATGT.

Đồng thời, thiết lập mạng lưới truyền thông ATGT địa phương với vai trò đầu mối của đoàn thanh niên, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của chiến dịch. Các phương pháp và kỹ năng đào tạo truyền thông về ATGT được đánh giá rất cao bởi tính đa dạng, hấp dẫn, và khả năng áp dụng tại địa phương.

Bên cạnh đó, thiết kế và phân phát các tài liệu truyền thông phù hợp với văn hóa, tập quán, ngôn ngữ và khả năng tiếp cận của cộng đồng và người tham gia giao thông, đặc biệt là phụ nữ, thanh thiếu niên, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật.

Các tài liệu bao gồm video truyền thông cộng đồng bằng tiếng Kinh, Mông, Dao, Lự; bản tin và tiểu phẩm phát thanh bằng 4 thứ tiếng; video cho trường học; Poster và Banner tại các điểm giao thông công cộng, nhà trường.

Chiến dịch cũng đã đảm bảo tất cả các thành viên cộng đồng, đặc biệt là các nhóm yếu thế được tiếp cận với thông điệp của chiến dịch, thông qua các poster tại các điểm giao thông công cộng, các cuộc họp, phương tiện nghe nhìn, trang mạng xã hội, các sự kiện truyền thông trực tiếp…

Các poster đều do chuyên gia chiến dịch và mạng lưới truyền thông địa phương thực hiện với sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan chức năng. Khoảng 1.166 cán bộ cốt cán đã được truyền thông trực tiếp; tổ chức truyền thông cho 47.289 người dân (52,6% nữ)

Đã có 59 sự kiện truyền thông ATGT, được 43 nhà trường khu vực dự án tổ chức cho 32.011 lượt học sinh trên địa bàn (48% nữ, 77% DTTS) tại các ngày hội ATGT, sinh hoạt ngoại khóa, tiết học chào cờ…

Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức về ATGT, phát huy thế mạnh của truyền thông thông minh đã thu hút được sự tham gia của 33.997 lượt người, với 57% phụ nữ và 54% người dân tộc thiểu số; 75% người tham gia dưới 18 tuổi.

Theo đánh giá của ban tổ chức, kết quả cuộc thi vượt xa mong đợi. Người tham gia không chỉ giới hạn ở 7 huyện dự án, còn lan tỏa tới 30 tỉnh thành và 40 nhóm dân tộc trên cả nước.

Chiến dịch đã phát huy các sáng kiến truyền thông ATGT của các huyện, xã, nhà trường thông qua phong trào thi đua và giải thưởng mô hình thực hành tốt.

Tại sự kiện tổng kết, các giải thưởng cuộc thi online và giải thưởng mô hình thực hành tốt của các huyện, xã và nhà trường đã được trao cho cá nhân và tập thể xuất sắc.

Sự kiện được đánh giá là dịp để các thành viên đánh giá về kết quả hoạt động của chiến dịch, cũng như chia sẻ các cảm xúc, kinh nghiệm trong quá trình triển khai các hoạt động của chiến dịch.

Ngoài ra, định hướng cho các hoạt động truyền thông về ATGT tiếp theo tại địa phương, để đảm bảo ATGT cho cộng đồng và người tham gia giao thông, đặc biệt là các nhóm dễ tổn thương, sau khi các tuyến đường đầu tư được đưa vào sử dụng.

Hiểu Đồng

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/nhieu-ket-qua-dat-duoc-tu-chien-dich-nang-cao-nhan-thuc-atgt-192240513150959172.htm