Nhiều khó khăn dạy học qua internet và trên truyền hình

Trường THPT Yên Hòa (Đà Bắc) có 10 lớp với 270 học sinh, trong đó có 3 lớp khối 12 với 88 học sinh. Thực hiện việc phòng, chống dịch Covid-19, học sinh toàn trường được nghỉ học theo quy định. Kỳ thi THPT đang ở ngay trước mắt, mà khối lượng kiến thức cần ôn tập cũng như học mới rất nhiều. Trong khi đó, học sinh nhà trường có đến gần 80% thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, không có điện thoại thông minh, máy tính nối mạng để có thể học trên internet. Khó khăn của nhà trường cũng đang diễn ra tại nhiều trường học thuộc các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh hiện nay.

Học sinh khối 12, trường THPT Yên Hòa (Đà Bắc) học trên truyền hình.

Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa trăn trở: Cơ sở vật chất nhà trường, điều kiện của hầu hết học sinh chưa đáp ứng được việc triển khai dạy và học trực tuyến. Một bộ phận học sinh chưa có ý thức tự giác, tích cực trong việc tự học ở nhà và tham gia học trên truyền hình. Một số phụ huynh còn buông lỏng, chưa tích cực tham gia đôn đốc con em học tập ở nhà. Do đó, thực tế việc học trên internet và trên truyền hình của học sinh nhà trường chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Cùng chung khó khăn với trường THPT Yên Hòa là các trường vùng cao của huyện Mai Châu. Đồng chí Vũ Đức Hạnh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mai Châu cho biết: Do địa bàn phức tạp, nhiều học sinh ở cách trường khá xa, đường sá đi lại khó khăn, nên việc giao nhiệm vụ học tập đến từng học sinh cũng gặp nhiều trở ngại. Số lượng học sinh nhiều, việc in ấn đề cho học sinh gặp khó, việc phát đề, bài tập tới học sinh chưa được đồng đều, hiệu quả chưa cao. Học sinh yếu không có sự hướng dẫn của giáo viên, nên nhiều bài tập không làm được, có học sinh ý thức tự học chưa tốt, chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập, nộp bài chưa kịp thời. Ngoài ra, đa số học sinh chưa có đủ các điều kiện để học tập trực tuyến (máy tính, điện thoại, mạng internet...). Việc dạy ôn tập trực tuyến của giáo viên chưa thực hiện được qua các phần mềm, ứng dụng miễn phí như: zoom cloud meetings, google from, do hệ thống đường truyền kém, giáo viên chưa được hướng dẫn, làm quen, tiếp cận nhiều các phần mềm zoom cloud meetings, google from, nên còn ngại nghiên cứu, lúng túng. Đối với việc học trên truyền hình thì do điều kiện của đa số học sinh không tiếp sóng được Đài PT - TH tỉnh, vì vậy, việc ôn tập kiến thức chưa đạt kết quả như mong muốn. Việc học trên truyền hình, các kênh học tập trên youtube... gặp khó khăn, do không tương đồng về trình độ giữa học sinh miền núi và đồng bằng, nhiều nội dung kiến thức học sinh khó tiếp thu.

Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng như căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, tỉnh đã triển khai việc dạy ôn tập đối với các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh lớp 9 và các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, GDCD lớp 12. Nội dung là ôn tập học kỳ I, các môn thi THPT quốc gia, các môn thi tuyển sinh lớp 9 vào lớp 10. Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Theo số liệu thống kê, ở các vùng thuận lợi khoảng 60 - 70% học sinh tham gia học tập, ở các vùng khó khăn có khoảng 30% học sinh tham gia học tập. Học sinh ở vùng cao, việc tiếp sóng tín hiệu truyền hình yếu, hoặc không thu được sóng của Đài PT - TH tỉnh. Việc ứng dụng CNTT để dạy học trực tuyến của giáo viên các trường học vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Tỷ lệ học sinh có máy tính kết nối mạng còn thấp. Do đó, nhiều trường phải thực hiện việc in bài tập ra giấy rồi gửi đến học sinh. Hiện đang thực hiện việc ôn tập lại kiến thức cũ, nhưng với thực tế như vậy, nếu triển khai dạy kiến thức mới trên internet, truyền hình sẽ rất khó khăn, thiệt thòi cho học sinh vùng cao.

DL

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/140738/nhieu-kho-khanday-hoc-qua-internet-va-tren-truyen-hinh.htm