Nhiều khó khăn ở khu dân cư tự phát Suối Cạn

Biệt lập, luẩn quẩn trong cái nghèo, cái đói, mù chữ… là những điều mà người dân sống ở khu dân cư tự phát Suối Cạn (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đang phải đối mặt.

Khu dân cư tự phát Suối Cạn nhìn từ trên cao. Ảnh: Thùy Dung

Khu dân cư tự phát Suối Cạn nhìn từ trên cao. Ảnh: Thùy Dung

Vòng luẩn quẩn đói nghèo

Mùa này, con đường dẫn vào khu dân cư tự phát Suối Cạn nóng như đổ lửa. Xe chúng tôi di chuyển gần 7km đường cát, băng qua những rặng mía dày đặc mới vào tới khu dân cư. Từ xa, hơn 30 nóc nhà bằng tôn xiêu vẹo dựa lưng vào nhau hiện lên. Ở giữa khu dân cư là hình ảnh vài người đàn ông cùng nhau uống rượu. Đàn bà tụ tập nói chuyện rôm rả. Lũ trẻ con mặc cho trời nắng, vẫn đầu trần, chân đất ùa ra sân chơi.

Sau khi chào hỏi, nhóm người đàn bà Jrai bắt đầu vài câu chuyện với chúng tôi về khu dân cư. Họ không nhớ rõ người dân di cư vào đây sinh sống từ năm nào, chỉ biết là từ rất lâu rồi. Có người theo chân cha mẹ vào ở. Người vì lấy vợ, lấy chồng mà vào đây. Điểm chung của khu này là phần lớn người dân đều không biết chữ; ít hoặc không có đất sản xuất; tỉ lệ sinh con cao. Vì biệt lập, khu vực này không có điện, chỉ có vài nhà có bình ắc quy. Toàn làng có 2 chiếc ti vi là phương thức duy nhất để tiếp cận thông tin với bên ngoài và cũng là niềm vui của những đứa trẻ Jrai nơi đây.

Chúng tôi được người làng giới thiệu tìm gặp chị Kpă H’luil. H’luil là người được tín nhiệm nhất khu vì biết mặt con chữ. H’luil sơ lược vài thông tin như sau: “Khu dân cư có 38 hộ với 172 khẩu, 100% là người Jrai, toàn khu có 17 hộ nghèo. Đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc cây mì, hết mùa mì thì đi làm thuê. Nếu không có việc gì làm thì lại ở làng. Công việc bấp bênh, không có thu nhập, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn”.

Chúng tôi đi sâu hơn vào phía bên trong khu dân cư. Nói là sâu hơn, nhưng chỉ là cách độ chục mét. Vẫn là những ngôi nhà tôn rách lởm chởm. Phía bên trong nhà không có nổi một vật dụng giá trị. Chỉ có 2 ngôi nhà có bình ắc quy để phát điện. Còn lại, chỉ là những mái nhà trống rỗng chỉ đủ chỗ ngủ và vài cái nồi để nấu ăn.

Khó khăn và biệt lập. Từng lớp người đứng lên và nằm xuống cứ luẩn quẩn trong cái vòng tròn của đói nghèo và lạc hậu. Phần lớn người dân khu này không biết chữ. Và đây cũng là rào cản lớn trong việc tiếp cận thông tin của người dân. Lí giải về vấn đề này, người dân cho biết: Việc học của trẻ liên tục bị gián đoạn. Phần vì đường đi khó. Phần vì khi mùa mưa về, nước dâng cao khiến người dân gần như biệt lập với bên ngoài nên không thể đưa trẻ đến trường.

Rcom H’Thị năm nay đã 19 tuổi. Thế nhưng H’Thị lại không thể giao tiếp với chúng tôi bằng tiếng phổ thông vì không biết chữ. Lớn lên bằng củ khoai, củ mì, rồi theo chân cha mẹ lên rẫy. Năm 17 tuổi, H’Thị lấy chồng. Ngôi nhà trước đây có 8 miệng ăn, nay có thêm người nhưng chỉ trông chờ vào 2 sào mì. Nghèo lại càng thêm nghèo.

Cũng vì đói, vì nghèo nên khu này có rất nhiều người lớn tuổi vẫn phải miệt mài đi làm thuê. Bà Nay H’Đinh đã 68 tuổi, dẫu thế, bà vẫn là lao động chính trong nhà. Ngày trước, gia đình bà cũng có đất sản xuất, nhưng vì cái nghèo nên đất cũng bán cho người ta. Để có cái ăn qua ngày, bà thuê 5 sào đất trồng mì, nhưng năng suất cũng kém. “Nhà có 5 sào đất nhưng có 5 miệng ăn nên cũng chẳng đủ. Những ngày đói, không có việc làm thì tôi lên rừng hái măng, đi xúc cá để ăn. Có khi thì đi bộ ra thị trấn để mượn gạo ăn, đến mùa sẽ đi làm trả lại người ta” - bà Nay H’Đinh cho biết.

Tiếp lời bà Nay H’Đinh, bà Mai Thị Thu Quý, Bí thư Đảng ủy xã Ia Sol trăn trở: “Khu này trước đây chỉ có một vài hộ dân đến làm rẫy. Vì là khu dân cư tự phát nên đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là không có điện, xa khu dân cư. Mùa mưa, nước dâng lên khiến một vài khu vực bị ngập úng. Phần lớn người dân đi làm thuê trang trải qua ngày. Vì biệt lập nên việc tiếp cận thông tin cũng gặp khó khăn”.

Ước mong sự đủ đầy

Luẩn quẩn trong cái nghèo hàng chục năm trời, hơn 30 nóc nhà ở khu dân cư tự phát này chỉ mong được di dời về gần trung tâm xã, ước mong một ngôi làng được đầu tư đầy đủ điện, đường, trường, trạm. Chị Rcom Hpreo cho biết: “Mong được di dời là ước mong của cả khu dân cư. Người dân cũng muốn được tiếp cận cái mới, được hòa nhập với mọi người. Mong có điện, có nước sạch để dùng. Con trẻ được đến trường đi học để xóa nạn mù chữ”.

Năm nay Rcom H’Thị (bên phải) 19 tuổi, tuy nhiên H’Thị vẫn không nói được tiếng phổ thông vì không biết chữ. Ảnh: Thùy Dung

Cùng chung ước mong, gia đình anh Rmah Wăng cũng mong muốn được di dời về nơi ở mới với mong muốn ổn định cuộc sống. Gia đình anh có tới 12 người con. Đông con và đói nghèo khiến những đứa trẻ cũng vì thế mà không được tới trường. Cũng như bao hộ nghèo ở làng, anh Wăng cũng mong muốn sớm được di dời để ổn định đời sống.

Trước những khó khăn mà khu dân cư tự phát Suối Cạn đang phải đối mặt, UBND huyện Phú Thiện đã đưa khu này vào Dự án bố trí, sắp xếp hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, dự án bố trí, sắp xếp chỗ ở mới cho hàng chục hộ dân này sẽ đưa về thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, với diện tích quy hoạch 3,8ha để hình thành khu dân cư tập trung. Dự kiến tổng mức đầu tư 15 tỷ 740 triệu đồng, tiến độ bố trí vốn và thời gian thực hiện từ năm 2022-2025.

Hiện nay, huyện Phú Thiện đã dự kiến bố trí khu vực quy hoạch để thực hiện việc di dời, sắp xếp lại dân cư tại khu vực trên. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương khó khăn, phương án di dời nhiều năm qua chưa được thực hiện. Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương cũng rất mong muốn các cấp, chính quyền sớm bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ đưa người dân ra khu quy hoạch để ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết: “Trước tình trạng đời sống bà con khu vực khu dân cư tự phát Suối Cạn rất khó khăn, hầu như cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho bà con không có. Chúng tôi đã có khảo sát và nhiều lần kiến nghị với ban, ngành tỉnh, Trung ương cho lập dự án định canh định cư để di dời các hộ này về nơi ở mới để tạo điều kiện cho bà con ổn định đời sống và phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo trong thời gian tới”.

Thùy Dung

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhieu-kho-khan-o-khu-dan-cu-tu-phat-suoi-can-post455654.html