Nhiều khó khăn triển khai dạy - học trực tuyến chương trình mới

Sau hai tuần đầu ôn tập kiến thức, bước vào tuần thứ ba của năm học mới 2021-2022, thầy trò Đà Nẵng chính thức dạy - học bài mới, kiến thức mới. Đây cũng là tuần nhiều phụ huynh (PH) đi làm trở lại khi TP nới lỏng giãn cách xã hội. Vì thế, việc triển khai dạy- học trực tuyến càng khó khăn hơn...

 Trường THCS Lê Hồng Phong lấy máy tính của nhà trường cho HS mượn học trong thời gian chưa đến trường.

Trường THCS Lê Hồng Phong lấy máy tính của nhà trường cho HS mượn học trong thời gian chưa đến trường.

Khó từ miền núi

Đóng chân trên địa bàn xã miền núi của H. Hòa Vang, trường tiểu học Hòa Phú có 3 điểm trường gồm 1 điểm chính và 2 điểm lẻ. Nếu chuyện dạy- học trực tuyến dưới xuôi khó khăn một thì ở trên này khó khăn mười.

Theo cô Cao Thị Nga - giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 1/3, điểm trường nằm ở thôn Hòa Phát, ngoài khó khăn thiếu thiết bị hoặc thiết bị không đồng bộ dẫn đến việc kết nối mạng yếu, khó khăn nữa phụ thuộc phần nhiều vào phụ huynh học sinh (PHHS). Do đời sống người dân ở đây còn nhiều khó khăn, nên hết thời gian giãn cách đặc biệt, nhiều PH phải đi làm hoặc vào rừng hái rau, bắt ốc để mưu sinh. Khi đi, họ mang theo điện thoại nên HS không có phương tiện để tham gia học trực tuyến. Mặt khác, nhiều PH không rành công nghệ nên khi thao tác kết nối mạng cho con học rất chậm. “Đó là chưa kể sóng ở vùng cao rất yếu. Có hôm, sóng yếu quá, PH không nhìn thấy được gì trên màn hình, phải báo GVCN biết để tạm dừng việc học của con. Những ngày vừa qua có nhiều đợt mưa to, trên này bị mất sóng nên buộc phải nghỉ dạy- học trực tuyến”, cô Cao Thị Nga cho hay.

Cũng theo cô giáo Nga, để tất cả HS trong lớp đều có thể tham gia học trực tuyến, GVCN phải chia lớp học thành 2 buổi: sáng từ 8 giờ đối với HS có PH ở nhà. Tối từ 7 giờ dành cho những HS bố mẹ đi làm ban ngày. Hầu hết PHHS lớp 1/3 đều cầu thị, thiết tha mong muốn cho con học cái chữ nên rất tích cực phối hợp, đồng hành cùng GVCN trong quá trình con tham gia học trực tuyến. Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn con trẻ luyện tập, học bài mới theo hướng dẫn của GVCN, nhiều PH bày không đúng cách nên con không hiểu bài dẫn đến cáu gắt. “Có em khi học trực tuyến tranh thủ “méc” cô giáo là bị cha mẹ mắng. Với HS ở khối lớp “mới keng” này, cần có sự tương tác trực tiếp giữa thầy-trò và sự phối hợp tích cực từ cha mẹ. Nên khi triển khai dạy-học bài mới, nhất là đối với chương trình giáo dục phổ thông mới nên càng khó khăn hơn”- cô Nga thổ lộ thêm.

Bà Nguyễn Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Phú cho hay, nhà trường đang rất lo lắng về những trường hợp HS không có thiết bị dạy học. Cũng theo bà Tâm, ngành GD-ĐT H.Hòa Vang có công văn về việc các trường vận động, kêu gọi mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thiết bị dạy học cho HS khó khăn. “Làm sao vận động để cho tất cả HS đều tiếp cận với việc học trực tuyến quả là khó khăn với xã miền núi Hòa Phú. BGH nhà trường cũng đã tìm mọi cách để vận động, nhưng chưa thấy tín hiệu phản hồi”.

…đến đồng bằng

Trong tuần đầu tiên bước vào học bài mới, kiến thức mới cũng là tuần chị Phạm Thị Hương - PH em Phan Hoàng Anh, HS lớp 6/4 THCS Lê Hồng Phong (Q.Hải Châu), công nhân may cho một công ty tư nhân được gọi đi làm trở lại. “Hai tuần đầu tiên của năm học mới, cháu dùng điện thoại của mẹ để ôn tập trực tuyến với lớp. Tuần này, tôi đi làm trở lại nên mang theo ĐTDĐ, điện thoại của ba bị hỏng màn hình nên cháu phải mượn điện thoại của cô ruột để học. Biết được hoàn cảnh khó khăn của cháu, giữa tuần, nhà trường mang máy tính của trường đến nhà cho cháu mượn học trực tuyến”, chị Hương xúc động chia sẻ.

Ông Đặng Ngọc Lam- Hiệu trưởng THCS Lê Hồng Phong cho biết, Hoàng Anh không phải là trường hợp khó khăn duy nhất của trường. Trong tuần đầu tiên triển khai chương trình dạy bài, kiến thức mới, nhà trường đã mang 12 máy tính hiện có của trường đến nhà cho HS khó khăn mượn để học tập trực tuyến. Trong đó, có trường hợp hai anh em học cùng trường nhưng khác khối. Được biết, trường THCS Lê Hồng Phong hiện có 24 HS cấp bách cần máy tính, trong đó có 12 em đã được nhà trường cho mượn máy. Số còn lại nằm trong trường hợp gia đình có từ 2- 3 anh chị em đang ở độ tuổi đi học, phải sử dụng ké ĐTDĐ của bố mẹ. Nên khi bố mẹ đi làm lại thì không có phương tiện để học trực tuyến.

Qua trao đổi một số PHHS, hầu hết đều cho rằng, trong bối cảnh HS chưa đến trường học trực tiếp vì dịch bệnh, việc tổ chức dạy-học trực tuyến là sự lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, do điều kiện, hoàn cảnh mỗi gia đình khác nhau nên không phải nhà nào cũng có thể trang bị được máy tính hoặc điện thoại thông minh phục vụ việc học trực tuyến cho con em. Nhiều PH cho biết, đã phải nhường luôn máy tính xách tay của mình để phục vụ việc học tập của con.

Ngoài ra, giá thiết bị điện tử tăng nhanh cũng khiến nhiều gia đình khó mua được trang thiết bị cho con em học tập. Ngoài khó khăn về thiếu thiết bị và thiết bị không đồng bộ, nhiều HS cho biết do mạng chập chờn nên việc tiếp thu bài giảng mới không được tốt. Nhiều em không hiểu bài sau đó phải hỏi lại cha mẹ. Nếu vấn đề nào cha mẹ không biết thì “em lên mạng tìm hiểu thêm để hiểu”, Hoàng Anh chia sẻ. Một số HS khác cho biết, do ngồi lâu trên máy tính nên có hiện tượng mỏi lưng, đau nhức mắt…

Những khó khăn này đã được ngành GD-ĐT TP tiên lượng trước khi năm học bắt đầu. Theo đó, ngành đã xác định dạy-học trực tuyến không phải là hình thức chủ đạo, chỉ là hình thức hỗ trợ. Sau khi HS đến trường, các trường sẽ khảo sát để có hướng bồi dưỡng, phụ đạo cho những HS chưa hiểu bài và có kế hoạch dạy lại chương trình đối với những HS vì điều kiện khó khăn không tham gia học trực tuyến.

Phan Thủy

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_250503_nhieu-kho-khan-trien-khai-day-hoc-truc-tuyen-chuong-trinh-moi.aspx