Nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ

Hiện nay, trong hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm của cả nước chỉ có duy nhất tỉnh Bình Phước thực hiện việc sáp nhập Trung tâm dịch vụ việc làm với Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm Công tác xã hội và mang tên là 'Trung tâm dịch vụ việc làm và Bảo trợ xã hội'. Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH, việc hợp nhất nguyên trạng của tỉnh Bình Phước là không phù hợp với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật và sẽ đặt ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ…

Ngày 30/7/2019, Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước. Công văn nêu rõ,“việc hợp nhất nguyên trạng của tỉnh Bình Phước là không phù hợp với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật và sẽ đặt ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện”.

Thứ nhất là không phù hợp với Luật Việc làm. Khoản 3 Điều 49 Luật Việc làm quy định, một trong những điều kiện bắt buộc hưởng trợ cấp thất nghiệp là “đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại Khoản 1, Điều 46 Luật Việc làm”, nếu người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại “Trung tâm dịch vụ việc làm và Bảo trợ xã hội ” là không phù hợp với Luật Việc làm và không đúng trong việc chi trả và thanh, quyết toán chế độ trợ cấp thất nghiệp, cả việc kiểm toán có thể không được chấp nhận vì không đúng quy định của Luật Việc làm.

Thứ hai là không đúng với quy định tại Điều 3, Điều 5, Điều 6, Điều 12 của Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm từ tên gọi, quy định, điều kiện thành lập, trách nhiệm…

Thứ ba là không phù hợp với quy hoạch mạng lưới Trung tâm dịch vụ việc làm giai đoạn 2016-2025 đã đươc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn Bộ Tài chính về tài chính đối với Trung tâm dịch vụ việc làm.

Cán bộ TT dịch vụ việc làm hướng dẫn người lao động tìm việc khi tham gia Sàn giao dịch việc làm

Bên cạnh đó, theo Công ước số 88 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam mới gia nhập quy định hệ thống Dịch vụ việc làm phải được lập thành một hệ thống quốc gia bảo đảm được hiệu quả của việc tuyển mộ và sắp xếp việc làm cho người người lao động. Chức năng quan trọng nhất của hệ thống dịch vụ việc làm công là giới thiệu việc làm, hướng nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, quản lý BHTN…Vì vậy việc hợp nhất Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm Công tác xã hội sẽ gây khó khăn trong việc phát triển hệ thống dịch vụ việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại và thể hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam với Tổ chức Dịch vụ việc làm công quốc tế (WAPES)

Thực hiện Nghị quyết số 28 của Ban chấp hành TƯ về cải cách chính sách về BHXH và Nghị quyết số 125 của Chính phủ, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan , đơn vị thực hiện chính sách BHTN” nên việc sáp nhập sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức thực hiện chính sách BHTN mà trực tiếp là các Trung tâm dịch vụ việc làm.

Đối tượng phục vụ và tính chất hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm không phù hợp với đối tượng của Trung tâm Bảo trợ xã hội. Đối với Trung tâm dịch vụ việc làm, đối tượng phục vụ là người lao động, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, các cơ sở giáo dục đào tạo… Trong khi đối tượng phục vụ của Trung tâm Bảo trợ xã hội chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần và rối nhiễu tâm trí, người nhiễm HIV/AIDS, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghiện ma túy, người bán dâm, người sau cai nghiện. Hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm là tư vấn giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, thông tin thị trường lao động trong khi hoạt động của Trung tâm bảo trợ xã hội là chăm sóc, nuôi dưỡng và hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu sử dụng công tác xã hội và các đối tượng bảo trợ xã hội cần bảo vệ nên việc hợp nhất sẽ gây khó khăn và không có sự hỗ trợ lẫn nhau trong công tác quản lý, điều hành và bố trí nhân sự của Trung tâm.

Chưa kể cơ chế tài chính và kinh phí hoạt động của mỗi lĩnh vực đều có quy định riêng và đặc thù. Việc sáp nhập thành Trung tâm dịch vụ Việc làm và Bảo trợ xã hội sẽ không có cơ sở để cấp kinh phí triển khai các hoạt động sự nghiệp BHTN, đồng thời, gây khó khăn trong việc thực hiện chủ trương đổi mới hoạt động, tự chủ tài chính đối với Trung tâm dịch vụ việc làm.

“Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH và các ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất giải pháp về tổ chức và nâng cao năng lực của Trung tâm dịch vụ việc làm”, Công văn nêu rõ.

DIỆU NGỌC

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nhieu-kho-khan-vuong-mac-trong-qua-trinh-trien-khai-thuc-hien-nhiem-vu-d103800.html