Nhiều khu di tích trở thành nạn nhân của việc vẽ bậy, thói quen xấu bao giờ mới bỏ?

Có một thực tế đáng lo ngại là văn hóa đi du lịch của người Việt còn chưa cao, nhất là trong cách ứng xử với di tích và di sản vật thể. Không khó để bắt gặp hình ảnh một di tích nào đó ngay giữa Thủ đô chằng chịt chữ ký hay vết khắc. Thói quen này đã gây mất mỹ quan chung và tổn hại với di sản dân tộc.

Thói quen xấu của người Việt

Không khó để bắt gặp hình ảnh những công trình di tích, công trình công cộng bị những nét vẽ, gạch chằng chịt bủa vây thật xấu xí ngay giữa lòng Thủ đô. Nhiều du khách không chỉ tới các di tích lịch sử để tham quan, chiêm ngưỡng, chụp ảnh kỷ niệm mà còn để cố tình ghi lại dấu ấn một cách bất lịch sự và phản cảm.

Có thể kể ra rất nhiều “nạn nhân” của tình trạng này như tháp Hòa Phong, tháp Bút ở Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cột cờ Hà Nội, cầu Long Biên, di tích Hỏa Lò, một số bảo tàng… Không chỉ tới tham quan, nhiều khách du lịch còn “tiện tay” ghi dấu ấn “Tôi đã ở đây”, “Tôi đã đến đây” một cách nguệch ngoạc, xấu xí và bất lịch sự.

Dù cho, ban quản lý các di tích có vất vả xóa thế nào đi chăng nữa thì một thời gian sau đâu lại vào đó.

Tháp Hòa Phong với những vệt rạch sâu chằng chịt.

Theo ông Trường Thành, trưởng phòng chuyên môn - nghiệp vụ, ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cho biết: “Hiện nay, các di tích ở thành phố đã được phân cấp và không đâu không có cơ quan quản lý, nhưng bên cạnh đó, dường như cũng không có di tích nào du khách không được tự do tiếp cận. Vì thế, vẫn còn hiện trạng bị bôi bẩn, ban quản lý di tích có nhắc nhở nhưng “chưa thấm vào đâu”, những người trẻ vẫn vô tư để lại dấu tích lung tung vì ban quản lý có bắt gặp cũng không có đủ thẩm quyền để xử lý”.

Những di tích đi qua bao thăng trầm của các giai đoạn lịch sử vẫn vẹn nguyên sức sống, nhưng lại bị tổn thương, trở nên nhếch nhác ngay chính trong thời đại văn minh này.

Chi chít chữ trên một mảng tường tại bảo tàng Phòng không - Không quân.

Trao đổi về hiện trạng trên, PGS. TS.Đinh Hồng Hải, giảng viên bộ môn Nhân học Văn hóa, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, nhận định: “Con người sơ khai cũng đánh dấu đường đi hay lãnh thổ của mình bằng cành cây hay vết chặt trên thân cây. Cách đánh dấu này vẫn còn tồn tại ở nhiều cộng đồng cư dân vùng cao khi đi rừng. Tuy nhiên, trong xã hội văn minh thì con người đã tạo ra vô số kí hiệu khác nhau từ biển chỉ dẫn đường đến biển hiệu hay băng-rôn ở mọi nơi để hướng dẫn những người chưa biết. Việc khắc tên của mình lên các di tích hay danh lam thắng cảnh là một hành vi mang tính bản năng không nên tồn tại trong một xã hội văn minh. Đó là chưa nói đến những hành vi đó gây phản cảm và có tác động xấu đối với việc bảo vệ di tích hay danh lam thắng cảnh”.

Tháp Bút cũng trở thành nơi "giao duyên" của cặp đôi "vô duyên" nào đó.

Ông Nguyễn Văn Nam (65 tuổi) cho biết: “Tôi chạy xích lô ở gần khu tháp Bút, bắt gặp cảnh các bạn trẻ vẽ bậy suốt. Nhất là khi trời mưa, mấy bạn đứng trú mưa “ngứa tay” viết vẽ lên. Họ còn vẽ bằng mực trắng khó tẩy lắm”.

Anh Phan Tiến Thạnh (24 tuổi) nói thêm: “Những hành động này khiến cho di tích mất đi vẻ đẹp ban đầu, trở nên xấu xí, nhiều công trình bị khắc đã trở nên nhếch nhác, thê thảm. Nếu có thể, khi bắt được, tôi nghĩ nên phạt nặng để hạn chế hiện tượng này”.

Khóm tre gần tháp Bút trở thành rừng chữ ký cho nhiều cặp đôi.

Theo ông Dương Lệnh (75 tuổi), một Việt kiều tại Mỹ, có một số cá nhân ý thức chưa cao, “mạnh ai nấy thể hiện”, đường phố đang đẹp đẽ lại vẽ bậy bạ lên, mất văn hóa, cứ tưởng là nghệ thuật nhưng hóa ra lại thành phá hoại.

Ngăn thói quen xấu, giữ cảnh quan đẹp

Hiện tại, theo quy định tại Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo là phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Mức phạt nặng là 5 - 15 triệu đồng nếu hiện vật có giá trị dưới 50 triệu đồng, 30 - 40 triệu đồng nếu hiện vật có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên trên thực tế chưa có vụ việc nào được xử lý triệt để, đủ sức răn đe cho nhiều người khác.

Nhìn ra một số nước, việc vẽ trái phép lên tài sản công hoặc tư đều bị quy vào tội xâm phạm và phá hoại tài sản, theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc (KNP). Người phá hoại tài sản có thể bị phạt tới 7 triệu Won (khoảng 6.300 USD) và 3 năm tù, còn những đối tượng xâm phạm tài sản đối mặt với mức phạt 5 triệu Won (4.450 USD) và 3 năm tù. Không có trường hợp ngoại lệ cho khách nước ngoài.

Ở Singapore, người vẽ, viết bậy tại nơi công cộng, hay các di tích sẽ bị bắt. Mức phạt tối đa là 2.000 SGD (khoảng 1.416 USD) hoặc phạt tù 3 năm, chịu đánh từ 3 đến 8 roi. Truyền thông thế giới lần đầu sốc với hình phạt này của chính phủ Singapore vào năm 1994, khi một thiếu niên Mỹ Michael Fay bị quất roi vì phá ô tô và tài sản công cộng. Dù cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton can thiệp, chính quyền Singapore vẫn giữ nguyên hình phạt và giảm số roi cho Fay. Đầu năm 2015, hai du khách Đức phải ngồi tù 9 tháng và chịu 3 roi vì tội vẽ graffiti lên một đoàn tàu, theo BBC.

PGS. TS. Đinh Hồng Hải.

PGS. TS.Đinh Hồng Hải cho biết: “Theo tôi được biết thì các cơ quan quản lý chưa có chế tài cụ thể để xử phạt những hành vi như vậy, nhưng nếu căn cứ theo luật Di sản thì một số điều luật có thể áp dụng, chẳng hạn như: Khoản 2, Điều 13: “Nghiêm cấm hành vi hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa”. Dựa vào các văn bản luật pháp và quy định hiện hành, các cơ quan quản lý di sản có thể căn cứ vào tầm quan trọng của di sản để đưa ra các chế tài phù hợp”.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng việc nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ di sản quan trọng hơn là việc xử phạt. Vì nếu xử phạt rồi mà người bị phạt vẫn không hiểu được tầm quan trọng của di sản thì chẳng khác nào “bắt nhái bỏ đĩa”. Nên chăng chúng ta cần có những chương trình giáo dục về di sản để mọi tầng lớp trong xã hội hiểu hơn và yêu hơn những di sản của mình. Suy cho cùng thì di sản chính là những tài sản vô giá mà cha ông chúng ta đã trao lại nên mọi người cần phải chung tay giữ gìn” - ông Hải nói thêm.

An Nhiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhieu-khu-di-tich-tro-thanh-nan-nhan-cua-viec-ve-bay-thoi-quen-xau-bao-gio-moi-bo-a410153.html