Nhiều khu vực tại Hà Nội trở thành nơi đổ trộm rác thải, vật liệu xây dựng trái phép tràn lan

Nhiều tuyến đường, ngõ ngách bị người dân đổ trộm chất thải, vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Rất nhiều vị trí tại Hà Nội, quanh khu đô thị, các tuyến đường, góc phố đã và đang trở thành điểm bị đổ trộm rác thải, vật liệu xây dựng. Theo ghi nhận của PV, tại nhiều vị trí dù cơ quan chức năng đã tiến hành dọn dẹp sạch sẽ nhưng cứ được một thời gian lại tái diễn.

Trao đổi với PV, một người dân sinh sống tại phố khu vực phố Văn Cao cho biết: "Những đối tượng đổ trộm rác thải xây dựng thường hoạt động vào ban đêm, tránh sự xua đuổi của người dân cũng như lực lượng môi trường".

Theo lý giải của người dân, việc những đối tượng đổ trộm rác thải xây dựng chủ yếu được các gia đình xây, sửa nhà cửa thuê chở đi và không hề biết những người này đổ ở vị trí nào. Các loại rác thải này chủ yếu là gạch đá, vôi vữa thừa hoặc các đồ đạc bằng gỗ bị hư hỏng.

Từ nhiều năm nay, tại Hà Nội rất nhiều địa điểm xuất hiện những khu vực bị đổ trộm chất thải xây dựng. Hầu hết những vị trí bị đổ trộm thường khuất tầm nhìn, các tuyến đường đang thi công dở dang hoặc khu vực xa dân cư.

Từ nhiều năm nay, tại Hà Nội rất nhiều địa điểm xuất hiện những khu vực bị đổ trộm chất thải xây dựng. Hầu hết những vị trí bị đổ trộm thường khuất tầm nhìn, các tuyến đường đang thi công dở dang hoặc khu vực xa dân cư.

Bên hông một dự án đang trong quá trình xây dựng dở dang bất ngờ biến thành nơi tập kết rác thải, rác xây dựng với đủ loại từ vật liệu rắn, gỗ đến nhựa.

Tại KĐT Định Công, khu vực một số ngã ba, ngã tư cũng trở thành điểm lý tưởng bị đổ trộm chất thải xây dựng.

Nhiều vật dụng hư hỏng bị vứt bỏ chỏng chơ khắp nơi.

Đường vành đai 2,5 nhiều đoạn cũng bị đổ trộm vật liệu xây dựng. Theo người dân, những người đổ trộm thường hoạt động vào ban đêm, họ sử dụng xe 3 bánh tự chế, xe đạp thồ hoặc xe máy để chở vật liệu đi vứt bỏ.

Đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân) cũng có một số vị trí bị đổ trộm.

Tại một con ngõ nhỏ nơi có nhiều chung cư đối diện Bến xe Mỹ Đình cũng án ngữ một bãi vật liệu xây dựng.

Theo thống kê của Công ty Vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội, lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày của Hà Nội khoảng 6.000 tấn, trong đó lượng chất thải rắn xây dựng chiếm khoảng 1.500 tấn.

Đã có nhiều trường hợp đổ trộm phế thải bị các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý, nhưng có vẻ như “muối bỏ bể”. Hệ lụy nhãn tiền là không ít các tuyến đường đã trở thành “điểm đen” với hàng trăm khối phế thải chình ình.

Hoạt động đổ trộm rác, phế thải không chỉ xảy ra tại các địa bàn có tốc độ đô thị hóa lớn như các quận nội thành, mà nhiều huyện, thị ngoại thành cũng không ngoại lệ.

Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố có 18 khu xử lý chất thải rắn, trong đó có 6 khu đang hoạt động, 2 khu đã có chủ trương đóng bãi, dừng chôn lấp để trồng cây xanh, 10 khu đầu tư xây dựng mới. Thành phố phấn đấu đến năm 2020 sẽ đưa các dự án trên vào hoạt động.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhieu-khu-vuc-tai-ha-noi-tro-thanh-noi-do-trom-rac-thai-vat-lieu-xay-dung-trai-phep-tran-lan-20190629141031813.htm