Nhiều kịch bản hậu Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi sâu sắc việc sử dụng năng lượng. Cuộc khủng hoảng Covid-19 có dấu hiệu tái bùng phát, do đó, có rất nhiều kịch bản khác nhau về thị trường dầu mỏ thời hậu khủng hoảng Covid-19.

Dịch Covid-19 khiến giá dầu lao dốc, nhiều đại gia dầu mỏ buộc phải xem xét lại giá trị tài sản. Mới đây, Royal Dutch Shell đã hạ hàng loạt giá trị tài sản của mình. Hàng chục tỉ USD đã bị xóa khỏi tài khoản của công ty. Angus Rodger, chuyên gia của Công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie, cho biết: “Quá trình này sẽ tiếp tục và sẽ có các vụ hạ giá trị lớn khác trong ngành dầu khí”.

Nhưng chuyên gia Moez Ajmi của Công ty Kiểm toán EY lại có cái nhìn khác. “Cần đặt nghi ngờ về những thông báo này. Trong giai đoạn khủng hoảng, người ta thường tận dụng cơ hội để làm sạch danh mục tài sản của mình”.

Đại dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến các hoạt động kinh tế bị trì trệ, đặc biệt là sự đóng cửa tạm thời của ngành vận tải hàng không. Trong năm 2020, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự kiến nhu cầu dầu sẽ giảm 8,1 triệu thùng/ngày (mbd).

Michael Bradshaw, giáo sư tại Trường Kinh doanh Warwick, chỉ ra rằng, các nhà bảo vệ môi trường và khí hậu đang thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế dưới dạng một “thỏa thuận xanh mới” để khuyến khích năng lượng tái tạo, xe điện hoặc phát triển hydro xanh. Nếu làm được điều này, nhu cầu dầu có thể không bao giờ quay trở lại mốc đỉnh như trước dịch Covid-19. Không có gì bảo đảm ngành vận tải sẽ phục hồi hoàn toàn.

Tuy nhiên, Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, khẳng định: Một số lĩnh vực nhất định vẫn phải phụ thuộc vào dầu mỏ, chẳng hạn như vận chuyển phụ thuộc tới gần 94%.

Còn chuyên gia Moez Ajmi nhận định: Sự sụt giảm nhu cầu dầu vĩnh viễn là điều viễn tưởng. Nhưng cần phải có thời gian để nhiên liệu hóa thạch cạnh tranh thực sự với các nguồn năng lượng tái tạo và chúng vẫn chiếm khoảng 80% năng lượng chính của thế giới.

Đáng chú ý, dự báo dài hạn của các nhà phân tích về giá “vàng đen” không đồng nhất. Một số người tin rằng giá dầu có thể dễ dàng bị phá vỡ ở mốc 100 USD/thùng, trong khi những người khác cho rằng giá dầu vẫn sẽ ở mức thấp, theo Wall Street. Những người lạc quan tin rằng giá dầu có thể sẽ nhảy vọt lên 100 USD/thùng và chạm ngưỡng 150 USD/thùng do tác động của đại dịch Covid-19 làm giảm đầu tư khai thác dầu khí khi nhu cầu tiêu thụ giảm. Theo Trevor Woods, giám đốc đầu tư tại Northern Trace Capital, với áp lực tài chính, một số công ty sẽ khó khăn trong sản xuất, làm nguồn cung dầu bị hạn chế sau đại dịch. Đây là lý do tại sao giá có thể dễ dàng đạt 150 USD/thùng vào năm 2025.

Tổng giám đốc Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga, ông Konstantin Simonov, cho rằng, những dự báo như vậy là điều vô cùng phi lý và không đáng tin cậy. “Bây giờ có rất nhiều kiểu dự báo. Có cả dự báo giá dầu sẽ là 2 USD/thùng, lại có dự báo lên tới 150 USD/thùng. Bây giờ là lúc cần vứt tất cả các dự báo vào thùng rác, vì chúng được đưa ra không phải để định hướng cho chúng ta trong tương lai, mà là để thu hút sự chú ý. Cách tốt nhất để thu hút sự chú ý là đưa ra những dự báo phi lý”, ông Simonov nói trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik.

Ông Simonov kết luận: Phải chuẩn bị cho thời kỳ sản xuất dầu ở mức bình thường mà giá dao động trong trong khoảng 40-50 USD/thùng. Đó là thực tế đúng đắn nhất mà chúng ta nên chuẩn bị. Ông Simonov cũng không đồng ý với ý kiến cho rằng, tình trạng thiếu hụt nguồn đầu tư tài chính cho ngành dầu khí sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong tương lai và đưa ra lý do cho quan điểm của mình: “Ý tưởng cho rằng dầu sắp cạn, không có đủ nguồn tài nguyên, đã từ lâu lùi vào quá khứ. Mười năm trước, chúng ta đã được thông báo sắp khai thác giọt dầu cuối cùng, bây giờ hóa ra là trữ lượng dầu rất nhiều. Vì vậy, thật ngây thơ khi nói rằng vì đầu tư kém, nhân loại sẽ không thể khai thác dầu”.

Chuyên gia Nga nêu một ví dụ thực tế, ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ là minh chứng rõ nét cho điều đó. Ngay khi giá dầu vừa bắt đầu tăng, sản xuất dầu đá phiến lập tức được khôi phục ở Mỹ, tức là tiền đầu tư sẽ ngay lập tức chảy vào nơi có cơ hội sản xuất. Chuyên gia phân tích: Trước đó cũng đã có quan điểm về tình trạng thiếu dầu, nhưng trong nhiều năm qua, điều này không được xác nhận. Quan điểm thiếu dầu được đưa ra từ năm 2014, khi giá đầu tiên tăng lên mức 100 USD/thùng, rồi tự nhiên bị sụt giảm mạnh. Khi đó, nhiều người đưa ra những dự báo tương tự, rằng ngành dầu mỏ sẽ không được đầu tư và trong 5 năm nữa, chúng ta sẽ không thể sản xuất dầu với khối lượng tương tự như ngày hôm nay. Tuy nhiên, đã 6 năm trôi qua, thực tế là sản xuất dầu đang ở mức quá cao trên thế giới, các kho chứa dầu đang đầy ắp, nguồn cung đang dư thừa hơn bất cứ lúc nào... Do đó, không nên nói rằng sẽ không còn nguồn đầu tư, mất khai thác và vì thế giá dầu sẽ tăng.

Một số chuyên gia khác ước tính nhu cầu về dầu giảm mạnh trong đại dịch Covid-19, sẽ mất nhiều thời gian để hồi phục trở lại mức trước khủng hoảng, khiến giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp. Hầu hết các nhà phân tích có xu hướng cho rằng trong dài hạn, giá dầu sẽ đạt đến mức cần thiết cho các nhà sản xuất nhằm kiếm lợi nhuận. Ngoài ra, việc đánh giá nhu cầu sau đại dịch rất khó khăn. Không ai biết liệu sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng sẽ tiếp tục được duy trì sau đại dịch? Liệu những thay đổi đó sẽ giúp ngành năng lượng sạch phát triển? Liệu lĩnh vực giao thông có thay đổi gì sau đại dịch Covid-19?...

S.Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhieu-kich-ban-hau-covid-19-574616.html