Nhiều lao động trẻ ở miền núi Quảng Trị bị lừa đảo khi tìm việc làm

Nhiều thanh niên ở vùng miền núi tỉnh Quảng Trị đi tìm việc làm tại các tỉnh lân cận. Vì thiếu hiểu biết nên họ đã bị lợi dụng, xâm hại tính mạng.

Hơn 10 ngày trở về với gia đình sau khi bị cưỡng bức lao động tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, các lao động và người thân của họ ở huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị vẫn chưa hết bàng hoàng. Họ cho biết, đã bị hai đối tượng dụ dỗ, gợi ý đi làm vàng tại tỉnh Quảng Nam với mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng, được nuôi ăn ở cùng với chế độ đãi ngộ tốt.

Thế nhưng, những gì xảy ra tại nơi làm việc hoàn toàn trái ngược. Họ bị đưa đến hầm vàng, làm việc liên tục 9-10 giờ/ngày, ăn uống kham khổ, đau ốm cũng không được nghỉ ngơi, còn thường xuyên bị đánh đập. Khi bỏ trốn khỏi mỏ vàng, các lao động bị nhóm bảo vệ mang dao, gậy truy đuổi.

Các lao động làm việc tại hầm vàng. (Ảnh minh họa: Vnexpress)

Anh Hồ Văn Mây, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị kể lại: “Đi làm không có mũ bảo hộ, quần, áo, dày dép cũng thiếu. Ăn cũng thiếu. Sáng thì dậy sớm. Chúng tôi liên tục bị đánh, ăn uống thì khổ cực, không đủ sức làm nhưng vẫn bị ép làm. Thấy bỏ trốn thì họ đuổi theo, mang theo dao, rựa rượt đuổi bắt lại”.

Tại 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, tình trạng thanh niên người dân tộc thiểu số bị các đối tượng môi giới dụ dỗ, đưa đi lao động trái phép diễn ra phổ biến và rất khó quản lý. Các đối tượng thường nhắm vào một nhóm thanh niên đang cần việc làm và thiếu hiểu biết để lôi kéo, thỏa thuận miệng rồi lén lút đưa ra khỏi địa phương.

Chính quyền và cơ quan chức năng rất khó nắm bắt thông tin về đơn vị tuyển dụng. Ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết: “Họ đến tuyển người, nói là đi phụ hồ thôi nhưng thực ra là đi làm phu vàng. Các lao động khi đi cũng không báo với xã nên xã không quản lý được”.

Theo bà Dương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân tránh bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo.

“Chính quyền xã, huyện, tỉnh và lực lượng chức năng ở khu vực vùng biên tại đây phải tăng cường tuyên truyền hơn nữa để lao động biết, tìm những đơn vị có uy tín để đăng ký làm việc, tránh bị lừa đảo như vừa qua”- bà Dương Thị Yến cho biết./.

hầm

CTV Nguyên Bảo/VOV-Miền Trung -

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/nhieu-lao-dong-tre-o-mien-nui-quang-tri-bi-lua-dao-khi-tim-viec-lam-756547.vov