Nhiều lĩnh vực không được đầu tư theo phương thức PPP

Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) lần này đã thu hẹp lĩnh vực đầu tư, sẽ 'tước' mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp vào nhiều lĩnh vực quan trọng.

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định như vậy khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Theo dự thảo các lĩnh vực sau sẽ không được đầu tư theo phương thức PPP: công trình chiếu sáng công cộng, văn hóa, thể thao, du lịch, hạ tầng viễn thông, hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

- Ông có bình luận gì về quy định nêu trên của dự thảo Luật PPP?

Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là hình thức huy động vốn tư nhân tham gia vào việc phát triển kinh tế xã hội được nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển thực hiện.

Ở Việt Nam, đầu từ theo hình thức PPP đã được triển khai từ khá lâu và thực tế cho thấy hàng loạt dự án, công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thu hút đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 tiếp tục quy định hình thức đầu tư PPP nhằm sử dụng tài sản công (đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản công khác) để thanh toán cho nhà đầu tư.

Ðây là hình thức huy động vốn ổn định và giải quyết về nguồn vốn, đồng thời tiết kiệm ngân sách, giảm áp lực nợ công, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thành phần kinh tế.

Lấy ví dụ, hạ tầng viễn thông là một lĩnh vực có nhu cầu được đầu tư theo hình thức PPP rất lớn. Tổng nhu cầu vốn cho lĩnh vực này lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, tuy nhiên một thực tế là ngân sách nhà nước khó có thể đáp ứng, khả năng cân đối từ ngân sách nhà nước thường chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu hoặc thấp hơn. Như vậy, nếu bỏ đầu tư theo phương thức PPP, chắc chắn Nhà nước sẽ không thể đáp ứng được nguồn vốn lớn để xây dựng và hoàn thiện hạ tầng viễn thông trên cả nước.

Do đó, tôi cho rằng không có lý do gì mà chúng ta phải bỏ đầu tư theo hình thức PPP vào lĩnh vực quan trọng như đã nêu ở trên.

- Theo dự thảo, Quốc hội sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 20.000 tỷ đồng trở lên. Ông nghĩ sao về quy định này?

Đề xuất này nếu đi vào thực tế sẽ trói chân nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Trong tương lai, tôi tin rằng những dự án từ 20.000 tỷ trở nên sẽ rất nhiều. Chưa kể, 1 năm Quốc hội chỉ họp 2 lần nên doanh nghiệp sẽ mất thêm một khoảng thời gian nữa để chờ đợi việc dự án có được thông qua hay không.

Việc tham gia của Quốc hội là quan trọng, tuy nhiên cần tạo ra cơ chế để Chính phủ quyết định và báo cáo Quốc hội, Quốc hội thực hiện chức năng hậu kiểm và giám sát thì sẽ thực tế hơn.

Hạ tầng viễn thông là một lĩnh vực có nhu cầu vốn rất lớn. Không có lý do gì mà chúng ta phải bỏ đầu tư theo hình thức PPP vào lĩnh vực quan trọng này.

Theo dự thảo Luật PPP, dự án được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu phải là dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Vậy với các dự án khác, chúng ta có nên duy trì cơ chế này không?

Việc áp dụng cơ chế rủi ro phù hợp giữa các bên là yếu tố quan trọng quyết định mức độ hấp dẫn của dự án đầu tư theo hình thức PPP, cũng như sự thành công hay thất bại của triển khai hợp đồng PPP.

Đây cũng là giải pháp có thể xem xét áp dụng nhằm hài hòa lợi ích của các bên, cũng như nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong thực hiện dự án PPP với vai trò là các đối tác trong hợp đồng PPP.

Do đó, với các dự án khác tôi cho rằng chúng ta vẫn nên áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro nếu không sẽ rất khó thu hút nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cũng xin lưu ý rằng, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu chỉ có thể thực hiện với điều kiện quản lý của Nhà nước phải minh bạch, dân chủ, đầy đủ. Còn như hiện nay, khi hợp đồng BOT vẫn “bí mật” mà cơ chế chia sẻ rủi ro được thực hiện thì người thiệt sẽ chính là Nhà nước bởi hễ có chuyện gì thì Nhà nước phải đứng ra xử lý, phải trích ngân sách để bù đắp.

- Theo tiến trình, dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội và kỳ họp cuối năm 2019. Ông có gợi ý nào để các quy định của dự Luật PPP được hoàn thiện hơn?

Việc ban hành một đạo luật chuyên biệt về PPP xuất phát từ nguyên nhân đó là một lĩnh vực rất đặc biệt và có ý nghĩa quan trọng xét cả về các phương diện chính trị, xã hội, luật pháp và kinh tế.

Do đó, để đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch trong triển khai dự án PPP, luật cho PPP cần đẩy nhanh ứng dụng đấu thầu qua mạng đối với việc lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư cần nộp hồ sơ dự sơ tuyển (đối với dự án PPP), hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phải được nộp trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với lộ trình theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Từ góc độ pháp lý, nền tảng của các dự án PPP chính là các hợp đồng, do đó luật cho PPP sẽ phải đảm bảo quyền tự do thỏa thuận và tính linh hoạt theo bối cảnh các dự án cụ thể cần được tôn trọng và bảo đảm. Trong các hợp đồng này, điều khoản nhạy cảm nhất được các nhà đầu tư tư nhân quan tâm, đồng thời Quốc hội cần xem xét khi ban hành luật, là việc từ bỏ các đặc quyền về chủ quyền, tức quyền miễn trừ bị khởi kiện trước cả trọng tài và tòa án của Việt Nam và nước ngoài của các cơ quan Chính phủ.

Cuối cùng, một bức tranh hợp lý và công bằng về PPP đối với nền kinh tế và người dân sẽ không nên chỉ bao gồm các con đường và trạm thu phí mà còn có cả các lĩnh vực khác của kết cấu hạ tầng đa dạng của đất nước.

- Xin cảm ơn luật sư!

Huyền Trang- thực hiện

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nhieu-linh-vuc-khong-duoc-dau-tu-theo-ppp-159174.html