Nhiều lò gạch thủ công vẫn ngang nhiên hoạt động

Mặc dù đã có công văn chỉ đạo của tỉnh về việc tháo dỡ, chấm dứt hoạt động tại các lò gạch thủ công truyền thống và thủ công cải tiến công nghệ xử lý khí thải trước ngày 31-12-2017. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Nam Đàn vẫn còn một số lò gạch vô tư 'nhả khói' mà không bị xử lý.

Thực hiện theo Quyết định số 567/QĐ –TTg của Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 28-4-2010 quy định việc xóa bỏ lò gạch thủ công trên toàn quốc. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cũng như tăng cường rà soát, giao trách nhiệm cho các Sở phối hợp với các huyện, thị xã tăng cường rà roát, dùng các biện pháp nhằm xóa bỏ lò gạch thủ công trên toàn địa bàn.

Theo lộ trình của UBND tỉnh Nghệ An, các lò gạch thủ công truyền thống và thủ công cải tiến công nghệ xử lý khí thải trên toàn tỉnh phải chấm dứt hoạt động, tháo dỡ trước ngày 31-12-2017. Thực hiện theo chỉ thị , nhiều địa phương trong tỉnh đã ra quân quyết liệt trong việc xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế của PV báo PL&XH trên địa bàn các xã Nam Thái, Vân Diên, Nam Giang (huyện Nam Đàn) vẫn còn một số lò gạch ngày đêm đỏ lửa, hoạt động sản xuất gạch phi pháp.

Cụ thể, theo ghi nhận của nhóm PV vào sáng 24-4, tại xóm Đông Tiến (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn), lò gạch của ông Nguyễn Trần Trung vẫn đang hoạt động, lò gạch này cách UBND xã Vân Diên không xa.

Tại thời điểm trên, khoảng 10 công nhân đang làm việc tích cực, một số công nhân vận chuyển gạch từ lò lên xe tải đang chờ sẵn, số khác đang vận chuyển gạch mộc, chưa nung vào lò để tiến hành nung đốt. Khói từ đường ống của lò vẫn bốc lên nghi ngút. Đằng sau lò nung là một bãi tập kết rộng lớn với hàng dãy gạch chưa nung xếp thành từng hàng đang chờ đợi “đến lượt”.

Theo phản ánh của người dân trên địa bàn xóm Đông Tiến, lò gạch này vẫn hoạt động bình thường bấy lâu nay mà chưa thấy vấp phải sự phản đối, cản trở nào của chính quyền địa phương. Điều đặc biệt, một ngôi nhà 2 tầng kiên cố được xây dựng trong khuôn viên của khu lò.

Tại xã Vân Diên, theo lộ trình thì đã hết thời gian hoạt động nhưng các lò gạch vẫn hoạt động với công suất lớn

Chủ tịch UBND xã Vân Diên thừa nhận: “Lò gạch của hộ gia đình ông Trung đã tồn tại, hoạt động được mấy năm nay, xã cũng đã nắm được lộ trình của UBND tỉnh Nghệ An đề ra, tuy nhiên do hộ gia đình anh Trung đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nợ nần nên chính quyền địa phương vẫn “nhẹ tay” trong việc xử lý triệt để, tạo điều kiện để gia đình anh Trung gỡ lại phần vốn”.

Nhiên liệu chuẩn bị sẵn sàng cho những viên gạch thô chuẩn bị đưa vào lò

Trước đó, PV báo PL&XH cũng ghi nhận tại địa bàn vùng Gáo, xóm 1, xã Nam Thái vẫn còn một lò gạch thủ công (đối diện nhà máy gạch, ngói 30-4) đang “vô tư” hoạt động. Được biết chủ lò gạch nêu trên thuộc về hộ gia đình ông Hoàng Quang Vương (quê quán xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên).

Theo quan sát, từng tốp công nhân đang tích cực làm việc, lò than đỏ rực lửa, các đống gạch thô, những viên than đá xếp từng dãy chờ sẵn, phía ngoài bãi đất xe ra vào liên tục. Những lò nung vẫn âm ỉ đốt nung gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực.

Tại xã Nam Thái, mặc dù hợp đồng thuê đất được thanh lý hợp đồng từ năm 2015 nhưng đến nay lò gạch vẫn hoạt động bình thường

Ông Nguyễn Phùng Hiền, cán bộ Địa chính xã Nam Thái thông tin: “Ngày 21-11-2015, căn cứ vào kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng và công văn của Sở Xây dựng Nghệ An, UBND xã Nam Thái đã có biên bản thanh lý hợp đồng với gia đình ông Vương về vấn đề thuê, mượn đất để xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực vùng Gáo thuộc xóm 1, xã Nam Thái”.

Biên bản thanh lý hợp đồng thuê đất của lò gạch nhà ông Vương với chính quyền xã Nam Thái

Tìm hiểu được biết, hằng năm, các lò gạch thủ công này sản xuất với công suất lớn lên đến hàng triệu viên/năm. Chính vì vậy, lượng đất để đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất cũng đáng kể. Các lò gạch thủ công sản xuất gạch nung chưa có mỏ thường mua đất trôi nổi trên thị trường, dẫn đến tình trạng đất đai ở nhiều vùng nông thôn bị đào bới một cách phi pháp, một số đồng ruộng trở thành ao hồ, đầm lầy sau khi “đất tặc” ghé thăm. Việc làm trên đã gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận, người dân.

Ông Hà Ngọc Lan, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nam Đàn cho biết: “Trên địa bàn huyện đến thời điểm hiện tại vẫn còn một số lò gạch thủ công đang hoạt động, các lò gạch trên tập trung ở các xã Vân Diên, Nam Thái, Nam Giang. Thời gian tới, Phòng Kinh tế - Hạ tầng sẽ có văn bản tham mưu UBND huyện về vấn đề xóa bỏ hoàn toàn loại hình sản xuất này”. Tuy nhiên, khi PV đề cập đến văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh thì ông Lan vô cùng “ngạc nhiên”. Khi PV yêu cầu ông Lan cung cấp các văn bản, quyết định về việc xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn theo chủ trương của tỉnh thì ông Trưởng phòng Kinh tế - Hạ Tầng này tỏ ra “lúng túng”, không cung cấp cho báo chí bất kỳ văn bản, giấy tờ liên quan nào.

Chất đốt bằng than vẫn đang đe dọa đến không khí môi trường sống của người dân địa phương

Kể từ khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn chỉ đạo đã nhiều năm qua, tuy nhiên tại sao các lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Nam Đàn vẫn “vô tư” hoạt động mà không vấp phải bất kỳ rào cản nào từ chính quyền địa phương.

Mặc dù xã Nam Thái đã có biên bản thanh lý hợp đồng về vấn đề cho thuê đất với hộ gia đình ông Vương từ năm 2015 nhưng lò gạch vẫn ngang nhiên hoạt động.

Các cơ quan ban ngành liên quan cần sớm quyết liệt thực hiện các biện pháp chấm dứt triệt để hoạt động của các lò gạch nung thủ công, hạn chế tình trạng “bóc lột” tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, hoàn trả mặt bằng để nhân dân trong vùng yên tâm sản xuất.

Hoàng Linh - Thanh Ngọc - Thùy Linh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nhieu-lo-gach-thu-cong-van-ngang-nhien-hoat-dong-114387.html