Nhiều lỗ hổng trong quản lý bếp ăn bán trú trường học

Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm hoặc thực phẩm bẩn được phát hiện từ những bữa ăn trường học, khiến vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong trường học càng trở nên 'nóng' hơn bao giờ hết, nhất là sau việc hàng trăm trẻ nhiễm sán tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm hiện tại, dù chưa ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn bán trú, nhưng thực tế, vẫn còn nhiều lỗ hổng trong quản lý bếp ăn bán trú trường học cần được khắc phục.

Việc kiểm tra thực phẩm có an toàn hay không đang nằm ngoài sự kiểm soát của nhà trường. Ảnh: Tô Hà

Theo Luật ATTP, việc quản lý ATTP trường học thuộc trách nhiệm của UBND các cấp. Với cơ sở cung cấp bữa ăn cho trường học có giấy phép kinh doanh thì phải có thêm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Với cơ sở không đăng ký kinh doanh (nhà trường tự nấu và cung cấp suất ăn cho học sinh) thì cần có cam kết với cơ quan chức năng và phải bảo đảm đủ các điều kiện về nguồn gốc thực phẩm, cơ sở vật chất... Ngành giáo dục cũng thường xuyên nhắc nhở các trường về vấn đề bảo đảm ATTP, trong đó nhấn mạnh đến vai trò giám sát của ban giám hiệu nhà trường và ban phụ huynh trong kiểm soát nguồn gốc thực phẩm. Quy định là vậy, thế nhưng do lợi nhuận của bên cung cấp cùng với sự lơ là, thiếu trách nhiệm hoặc cố tình tiếp tay của một số nhà trường, thực phẩm bẩn vẫn “chui” qua được lỗ hổng quản lý và vào dạ dày học sinh.

7h30 phút ngày 10-4, Trường Mầm non Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) nhập thực phẩm phục vụ cho bữa ăn của hơn 400 cháu. Rau mồng tơi, tôm... được mang đến và nhập vào bếp nấu một cách nhanh chóng. Dù hợp đồng giữa nhà trường và đơn vị cung ứng ghi rõ: Khi giao nhập hàng cho bên A bên B phải có hóa đơn bán lẻ hoặc giấy giao hàng ghi đúng số lượng hàng, giá cả và bên A kiểm tra trước khi nhập hàng vào... Nếu không có giấy tờ, thủ tục đó thì quản lý sẽ không nhập số hàng đó. Tuy nhiên, các bước hầu như được “tối giản” hết mức. Ngoài cuốn sổ theo dõi số lượng hàng hóa thì không còn bất cứ giấy tờ gì liên quan. Đặc biệt, các đơn vị cung ứng thực phẩm cho nhà trường đều chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Cô giáo Lê Thị Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thiệu Dương, phân trần: Chúng tôi chỉ có hợp đồng thực phẩm thôi, vừa qua có đoàn kiểm tra ATTP đến yêu cầu hợp đồng là phải có giấy chứng nhận truy suất nguồn gốc của thôn trưởng, chúng tôi cũng chưa kịp làm. Nhà trường sẽ liên hệ với cơ quan chức năng để hoàn thiện.

Không ký hợp đồng với một đơn vị cố định trong việc cung cấp thực phẩm cho bữa ăn của học sinh, hơn 30 năm nay, Trường Mầm non Ba Đình (TP Thanh Hóa) lại chọn hình thức hợp đồng với các đơn vị nhỏ lẻ. Theo đó, để tổ chức ăn bán trú cho gần 400 học sinh, nhà trường phải ký hợp đồng với 17 đơn vị cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các trường khác, nhà trường cũng chỉ kiểm tra thực phẩm bằng mắt thường và đặt niềm tin vào nhà cung cấp. Ngay đến việc, các đơn vị cung cấp lấy nguồn thực phẩm này ở đâu, nhà trường cũng không hề biết.

“Thịt lợn nếu được kiểm dịch thì họ chỉ đóng dấu trên lưng, tuy nhiên trường chỉ lấy một số miếng thì cũng không thể biết được con lợn đó đã được kiểm dịch đóng dấu hay chưa. Rau, củ, quả thì cũng chỉ lấy bằng niềm tin chứ cũng không có máy móc để kiểm tra... Đây là vấn đề mà các hiệu trưởng rất trăn trở, mong muốn, các cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra, giám sát các nhà cung cấp thực phẩm để thực phẩm “bẩn” không có cơ hội tràn vào các bữa ăn học đường...” - cô giáo Lê Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ba Đình chia sẻ.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 755 trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Hầu hết các trường đều tự lựa chọn nguồn cung cấp thực phẩm, sơ chế, chế biến... mà không sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn sẵn từ bên ngoài. Trước khi hợp đồng với các đơn vị cung cấp thực phẩm, nhà trường đã tìm hiểu, xem xét hồ sơ của các đơn vị. Tuy nhiên, việc xác định sản phẩm đưa vào có đúng do nhà phân phối sản xuất ra hay lại nhập của một đơn vị khác thì hầu như các nhà trường chưa thực hiện được. Các nhà trường cũng lúng túng trong việc kiểm soát, bởi vì để kiểm tra nguồn hàng đó có thực sự an toàn hay không thì phải có các cơ quan chức năng còn về phía nhà trường việc kiểm tra cũng chỉ bằng mắt thường nên cũng không thể biết được thực phẩm đó có thực sự “sạch” hay không? Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn cho bếp ăn bán trú đang được các nhà trường “đặt cược” bởi niềm tin vào nhà sản xuất, cung ứng thực phẩm.

Trong khi nhà trường còn đang lúng túng trong việc kiểm soát đầu vào thực phẩm bếp ăn bán trú, thì vai trò giám sát của phụ huynh lại rất mờ nhạt. Các bếp ăn bán trú trường học hầu như chưa có sự kiểm tra, giám sát của phụ huynh dù ở hầu hết các trường học hiện nay phụ huynh đóng toàn bộ chi phí (kể cả phí phục vụ bữa ăn bán trú) cho con mình nhưng hầu như họ không có quyền quyết định việc lựa chọn hay giám sát đơn vị cung cấp thực phẩm vào trường học, chủ yếu là trách nhiệm của các nhà trường, chỉ có hội trưởng hội phụ huynh có quy chế phối hợp với nhà trường, còn hội phụ huynh tham gia giám sát hằng ngày là chưa có.

Ông Lê Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh cho rằng: Để bảo đảm ATTP tại bếp ăn trường học cần sự vào cuộc của cả ba bên: Đơn vị cung cấp, nhà trường và phụ huynh học sinh. Ngay từ khâu lựa chọn doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, nhà trường buộc phải chọn doanh nghiệp khi đã có thẩm định của cơ quan chức năng và thông báo đến phụ huynh. Khâu giao nhận thực phẩm hằng ngày cần có sự kiểm tra, giám sát của ban giám hiệu nhà trường. Thậm chí, nhà trường có thể hậu kiểm, truy xuất đến cùng nguồn thực phẩm đưa vào trường. Về phía phụ huynh, thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh cần có những buổi kiểm tra đột xuất bếp ăn trường học, kịp thời phản ánh tới ban giám hiệu những bất cập. Thời gian tới, ngành y tế sẽ tăng cường tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP, quy trình điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm cho chủ cơ sở, người chế biến, người quản lý bếp ăn tập thể của các trường học. Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, ngành sẽ tăng cường xử phạt vi phạm tại các bếp ăn tập thể nhằm tăng sức răn đe và nâng cao trách nhiệm của cơ quan có bếp ăn tập thể. Đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức thực hành của người chế biến, người sử dụng trong phòng, chống các nguy cơ về lây nhiễm và ngộ độc thực phẩm.

Qua nhiều vụ việc vi phạm bếp ăn tập thể trường học được phát hiện trong thời gian qua đã đến lúc, việc kiểm tra các bếp ăn tập thể tại nhà trường cần phải được quy định chặt chẽ hơn, chẳng hạn cần có sự tham gia bắt buộc của ban phụ huynh trong giám sát... Với học sinh, sức khỏe là vấn đề quan trọng hàng đầu, chúng ta không thể tiếp tục buông lỏng, để những “lỗ hổng” đang diễn ra ở các bếp ăn bán trú học đường.

Trước thực trạng một số cơ sở giáo dục vẫn để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh lây qua đường tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, uy tín của nhà trường, gây hoang mang và bức xúc trong xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế thực hiện biện pháp vệ sinh ATTP. Cụ thể, bộ yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật ATTP, chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường trách nhiệm quản lý về ATTP, thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác y tế trong trường học.

Đồng thời các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cán bộ quản lý về ATTP trong trường học, chống ngộ độc thực phẩm. Các cơ quan kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến - vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, tuân thủ quy trình giao nhận theo đủ ba bước, lưu mẫu thức ăn đúng quy định.

Hà Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhieu-lo-hong-trong-quan-ly-bep-an-ban-tru-truong-hoc/99695.htm