Nhiều loại chứng chỉ sẽ bị loại bỏ

Bộ Nội vụ vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức. Theo đề nghị này, sẽ bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức.

Không chỉ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học, sẽ có nhiều chứng chỉ khác sẽ được xem xét loại bỏ. Ảnh minh họa.

Không chỉ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học, sẽ có nhiều chứng chỉ khác sẽ được xem xét loại bỏ. Ảnh minh họa.

Xác định rõ có cần thiết hay không

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tổ chức họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và có công văn đề nghị các bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành rà soát, báo cáo về chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

Trong đó có việc phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý, hoạt động công vụ, hoạt động nghề nghiệp; xác định sự cần thiết “có hay không có” chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp được giao quản lý.

Qua tổng hợp báo cáo của 15/18 bộ, ngành (còn các Bộ Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội chưa báo cáo), thì có 3 loại chứng chỉ bồi dưỡng yêu cầu bắt buộc đối với công chức, viên chức.

Loại thứ nhất là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý được thực hiện trước khi bổ nhiệm. Theo yêu cầu tại Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, đến hết năm 2021, 100% cán bộ, công chức, viên chức phải bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.

Loại thứ hai là chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức (đây là điều kiện bắt buộc khi thực hiện việc bổ nhiệm hoặc đăng ký dự thi nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp), bao gồm: chứng chỉ bồi dưỡng về lý luận chính trị, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, chứng chỉ ngoại ngữ và tin học. Trong đó, chứng chỉ bồi dưỡng về lý luận chính trị chỉ yêu cầu đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương.

Loại thứ ba là chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm. Theo quy định, chứng chỉ này không yêu cầu bắt buộc phải có khi bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc bổ nhiệm ngạch, chức danh nghề nghiệp, nhưng là một trong những căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm của công chức, viên chức.

Qua rà soát các quy định và tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Nội vụ nhận thấy, việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức được thực hiện từ năm 2003 và đi vào nề nếp. Tuy nhiên công tác bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức còn một số hạn chế, tồn tại.

Đó là nội dung một số chương trình bồi dưỡng còn nhiều lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm; còn trùng lặp nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp trong cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học.

Việc quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn phù hợp vì hiện nay các cơ sở đào tạo đã có quy định về việc chuẩn đầu ra phải đạt được trình độ ngoại ngữ, tin học theo các cấp độ tương ứng. Bên cạnh đó, có sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Bộ Nội vụ đề nghị bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức. Cùng với đó là cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm. Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Hướng tới “thực người, thực học, thực việc”

Trong nhiều kỳ họp Quốc hội (khóa XIV), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân (lúc đó) đã phải đối diện với chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có việc bao giờ thì “rừng chứng chỉ” được loại bỏ.

Rõ hơn, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Tân về việc chứng chỉ chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch, gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… và nhiều trường hợp đã dẫn tới việc tuyển dụng, thăng hạng, bổ nhiệm không thực chất.

Giải trình trước Quốc hội, ông Tân cho rằng đây là vấn đề tồn tại từ nhiều năm. Nhận khuyết điểm khi để một quyết định áp dụng hơn 20 năm mà không sửa đổi, để cho thủ tục thi nâng ngạch công chức, xét thăng hạng viên chức rườm rà, ông Tân cam kết năm 2020, sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, sẽ sửa ngay và sẽ thực hiện các quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ, thủ tục nào nữa.

Ông Tân bày tỏ rằng cũng thấy rất phiền hà trước việc yêu cầu quá nhiều văn bằng, chứng chỉ. “Không riêng về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức, mà quy trình bổ nhiệm cũng yêu cầu phải có tới 7 bằng cấp, tiêu chuẩn, điều kiện là quá nhiều”, ông Tân nói.

Tuy nhiên cho đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, việc “quá nhiều” đó ông Tân vẫn giải quyết chưa xong. Biết rằng khó, thông cảm, nên tại kỳ họp cuối cùng của khóa Quốc hội XIV, nhiều ý kiến cho rằng Bộ trưởng Bộ Nội vụ (và Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo) đã “ghi dấu ấn cuối nhiệm kỳ” khi thực hiện lời hứa loại bỏ tình trạng thi nhau đi học các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tiêu chuẩn chức danh.

Nhưng “núi” quy định chứng chỉ đối với công chức, viên chức thì vẫn còn đó. Nay đến lượt tân Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà “ra tay”. Đó chính là báo cáo của Bộ này với Thủ tướng Chính phủ về việc bỏ quy định bắt buộc nhiều loại chứng chỉ. Đây được coi là sự đột phá, là bước tiến lớn trong công tác cán bộ. Khi đi vào thực tế nó sẽ gỡ bỏ nhiều rào cản, hướng tới thực chất: thực người, thực học, thực việc.

Đó cũng chính là điều xã hội chờ đợi đã lâu.

Nam Việt

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhieu-loai-chung-chi-se-bi-loai-bo-5642682.html