Nhiều lùm xùm trong công tác cán bộ ở Tổng cục Đường bộ VN: 'Cần quy rõ trách nhiệm người đứng đầu'

Theo chuyên gia pháp lý, từ những vi phạm trong công tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ tại các đơn vị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cần phải quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu.

Từ các Kết luận Thanh tra PV Báo Gia đình & Xã hội tiếp cận được, quá trình kiểm tra việc thực hiện tuyển dụng công chức tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đã xác định có nhiều trường hợp tồn tại nhưng vẫn được bổ nhiệm lại chưa đúng quy định.

Cụ thể, ngày 15/10/2014, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam ký Quyết định số 2429/QĐ-TCĐBVN tiếp nhận, bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng giao thông 208, giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý, bảo trì đường bộ.

Đến năm 2017, ông này bị tố cáo cho rằng, quá trình xét tuyển ông là đặc cách, chưa đúng quy định bởi thời gian đó ông Hùng chưa là công chức.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Hùng là cán bộ quản lý có năng lực và kinh nghiệm hơn 24 năm công tác trong lĩnh vực xây dựng đường bộ, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn cho chức danh phó vụ trưởng. Quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm ông Hùng được thực hiện đúng theo quy định về công tác cán bộ của Bộ Giao thông Vận tải. Vì thế ông này được chấp thuận tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển.

Đơn vị này cũng thừa nhận còn có thiếu sót về thời điểm khi ban hành Quyết định số 2429/QĐ-TCĐBVN ngày 15/10/2014 về tiếp nhận bổ nhiệm ông Hùng (sau công văn chấp thuận của Bộ Nội vụ 2 ngày và trước Quyết định tuyển dụng vào công chức của Bộ Giao thông Vận tải 9 ngày).

Một số tồn tại, hạn chế về công tác bổ nhiệm cán bộ tại Tổng cục Đường bộ được chỉ ra tại Kết luận Kiểm tra của Bộ GTVT.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam xác định đây là thiếu sót, lỗi kỹ thuật trong việc ban hành văn bản và đã có quyết định ngày 13/9/2017 thu hồi Quyết định số 2429/QĐ-TCĐBVN ngày 15/10/2014, đồng thời tổ chức kiểm điểm với Vụ trưởng và một Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, là người trực tiếp trình ký quyết định.

Tuy nhiên, không hiểu sao, sau khoảng 2 tháng rút quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng, đến tháng 11/2017, ông này tiếp tục ông Nguyễn Văn Huyện ký bổ nhiệm lại vào chức từng bị rút quyết định trước đó là Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý, bảo trì đường bộ. Thời điểm đó ông Hùng đang là chuyên viên Vụ Quản lý, bảo trì đường bộ.

Tiếp đó, ngày 27/12/2017, ông Nguyễn Văn Huyện ký quyết định số 4290, điều động biệt phái ông Nguyễn Hoàng Linh – Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải nhận nhiệm vụ Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra kể từ ngày 1/1/2018.

Thời điểm này ông Linh chỉ là Thạc sĩ quản trị kinh doanh, không có chuyên ngành thanh tra. Theo quy định thì ông Linh phải qua lớp đào tạo về thanh tra và thi sát hạch để được công nhận là công chức thanh tra. Ngoài ra, để được bổ nhiệm làm lãnh đạo, ông Linh phải học thêm lớp nữa là chuyên ngành thanh tra viên.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam - nơi xảy ra nhiều vụ lùm xùm trong công tác cán bộ.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về những sai phạm trong công tác cán bộ ở Tổng cục Đường bộ VN, luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) đánh giá đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để xác minh và xử lý nghiêm minh.

Theo ông Thái, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có quyết định 2323 để thắt chặt kỷ luật trong bổ nhiệm cán bộ, đảm bảo tinh gọn bộ máy theo quy định của pháp luật. Quyết định này rất kịp thời và thể hiện tính trách nhiệm cao của Bộ trưởng. Tuy nhiên, dường như Tổng cục Đường bộ đã phớt lờ đi quyết định này để bổ nhiệm hàng loạt cán bộ gây bức xúc dư luận.

“Công tác nhân sự luôn là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, với trách nhiệm là người đứng đầu đương nhiên Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải nắm rõ hơn ai hết các tiêu chí, tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ cấp dưới. Để xảy ra sự việc như trên, theo tôi, Bộ GTVT cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan này”, LS Thái nhấn mạnh.

Theo lời ông Thái, Tổng cục Đường bộ là đơn vị chi tiêu một lượng tiền ngân sách rất lớn hàng năm nên rất dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Vì thế công tác cán bộ phải hết sức chặt chẽ và công tâm. Nếu để nhóm lợi ích hình thành tại đây thì sự thất thoát sẽ vô cùng to lớn.

“Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 4/6/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT tỏ ra rất quyết tâm và cam kết sẽ xử lý nghiêm các cá nhân để xảy ra sai phạm. Việc sai phạm trong công tác cán bộ tại Tổng cục đường bộ Việt Nam đã mang tính hệ thống, vì thế theo tôi người đứng đầu Bộ giao thông Vận tải cần vào cuộc quyết liệt và xử lý nghiêm minh những sai phạm tại đây để kỷ luật, kỷ cương công vụ được thực thi…”, vị chuyên gia bày tỏ.

Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhieu-lum-xum-trong-cong-tac-can-bo-o-tong-cuc-duong-bo-vn-can-quy-ro-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-20181102002059787.htm