Nhiều mặt hàng xuất khẩu về đích sớm

Doanh thu tăng vượt so với kế hoạch đề ra, đơn hàng dồi dào nhờ tận dụng tốt các hiệp định thương mại… đã tạo tiền đề khả quan cho nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tại TP Hồ Chí Minh về đích sớm dù chưa hết năm 2018.

Những ngày đầu tháng 12, gần 300 công nhân của Công ty TNHH MTV Cường Thịnh (huyện Củ Chi) tất bật làm việc, khẩn trương hoàn thành đơn hàng cho đối tác nước ngoài. Giám đốc Công ty Trần Văn Hậu cho biết: “Năm nay công ty có nhiều đơn hàng gia công mới cho các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU…, nhiều khách hàng cũ cũng quay trở lại, công ty phải chạy hết công suất mới kịp hoàn thành tiến độ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho DN còn non trẻ như Cường Thịnh. Chúng tôi làm việc bằng tất cả uy tín, kinh nghiệm để tạo sự hài lòng của khách hàng. Đó cũng chính là lý do công ty hoàn thành vượt gần 20% so với kế hoạch đề ra trước đó”.

Chỉ tính trong chín tháng đầu năm 2018, Công ty cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (quận Tân Phú) đã đạt doanh thu thuần khoảng 14,5 triệu USD, tỷ suất lợi nhuận gộp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt khoảng 16%. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 714.000 USD. Lũy kế chín tháng, công ty đạt 119 triệu USD doanh thu, tương đương 2.796 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 8,6 triệu USD, tương đương 202 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch cả năm…

Nhiều DN kinh doanh các mặt hàng nông sản tiếp tục đưa được những loại trái cây của Việt Nam đến với các thị trường khó tính. Cuối tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Vina T&T đã đưa trái dừa xiêm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với khoảng 100.000 trái dừa tươi/tuần. Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho biết: “Để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại tại thị trường Mỹ là chặng đường hết sức chông gai. Chúng tôi phải xuất hàng cho người tiêu dùng dùng thử, họ thấy ngon thì mới ký hợp đồng. Lúc đầu chỉ một công-ten-nơ/tuần. Giờ họ đặt tới năm công-ten-nơ/tuần, tương đương 100.000 trái. Trong 10 tháng đầu năm 2018, tập đoàn đã xuất khẩu khoảng bốn triệu trái dừa tươi sang thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao này”…

Theo dự báo của Bộ Công thương, thời gian tới, triển vọng xuất khẩu mặt hàng rau quả sẽ tiếp tục thuận lợi. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại được chú trọng cũng sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu rau quả. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2018 sẽ tăng khoảng 15% so với năm 2017. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP Hồ Chí Minh ước đạt 38,32 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2017. Các DN sản xuất, kinh doanh và cung ứng trong nước đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng làm tăng sức mua của người tiêu dùng. Theo chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP Hồ Chí Minh, kim ngạch một số mặt hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện, dệt may, điện tử và máy tính, thủy sản… tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Tình hình xuất khẩu của Việt Nam rất khả quan với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và có hiệu lực. Đáng chú ý, FTA Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc mở rộng thị phần xuất khẩu.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, DN thành phố Hồ Chí Minh đã tận dụng được lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Trưởng Đại diện Jetro tại TP Hồ Chí Minh Cô-di cho biết, thông qua các FTA, thị trường xuất khẩu Việt Nam đang mở rộng. FTA Việt Nam - EU được kỳ vọng thông qua vào đầu năm 2019 sẽ chiếm 19% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Những hiệp định còn lại chiếm 40,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do vậy, giải pháp cho các DN thành phố nói riêng và cả nước nói chung là phải tận dụng hiệu quả hơn các FTA đã ký kết.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38532402-nhieu-mat-hang-xuat-khau-ve-dich-som.html