Nhiều mô hình hiệu quả của phụ nữ Châu Phú

Thời gian qua, hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) xây dựng nhiều mô hình mới, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Đức Lê Thị Tuyết Mai cho biết, hội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đến hội viên đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền về bình đẳng giới, vai trò, vị thế, đóng góp của phụ nữ trong xã hội; phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, hành động và bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho cán bộ, hội viên, xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Cùng với đó, đơn vị chủ động xây dựng, triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, như “Phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình”. Nhận thức của người dân ngày càng nâng lên, chủ động phân loại rác thải sinh hoạt, thu gom, để rác đúng nơi quy định, góp phần giữ gìn vệ sinh chung.

Chị Trần Ngọc Phương Duyên (xã Mỹ Đức) chia sẻ: “Từ khi được Hội LHPN xã tuyên truyền về phân loại rác thải, tôi thấy mô hình có nhiều lợi ích, góp phần bảo vệ môi trường, từ đó gia đình tôi áp dụng theo, đồng thời vận động nhiều người cùng tham gia”.

Ra mắt mô hình “Phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình” ở xã Mỹ Đức

Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối vận xã Mỹ Đức Đoàn Minh Triều cho biết: “Thời gian qua, Hội LHPN xã đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho hội viên phụ nữ, vận động nhà hảo tâm cất nhà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, tham gia thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, cùng địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

Ngoài ra, nhiều mô hình trên địa bàn huyện Châu Phú mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như, mô hình “Tổ phụ nữ thu gom phế liệu san sẻ yêu thương” được Hội LHPN thị trấn Cái Dầu thực hiện tại khóm Bình Nghĩa. Mô hình không chỉ làm xanh - sạch - đẹp môi trường, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, mà còn tạo nguồn quỹ hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Cụ thể, trong sinh hoạt hàng ngày, 30 thành viên thu gom phế liệu, tập kết tại 1 điểm, sau đó bán lấy tiền chăm lo an sinh xã hội. Qua 5 tháng thực hiện, các chị bán phế liệu được gần 2,5 triệu đồng, mua thẻ bảo hiểm y tế cho 3 phụ nữ khó khăn. Đây là mô hình hay, vừa phát huy tinh thần “Tương thân tương ái”, vừa góp phần nâng cao ý thức cho mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân về thói quen phân loại rác thải trong gia đình.

Hay, mô hình “Tổ hùn vốn xoay vòng” của Hội LHPN xã Bình Chánh, 21 thành viên tham gia. Mỗi thành viên góp vốn 500.000 đồng/tháng. Mọi người đóng góp chỉ với mục đích tương trợ lẫn nhau, không tính lời lãi, đồng vốn an toàn, không gặp nhiều rủi ro. Mỗi lần họp mặt góp vốn là dịp để chị em chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, chăm sóc gia đình, nên càng gần gũi nhau hơn.

Qua đó, 1 chị được nhận 10 triệu đồng học nghề nấu ăn, mở tiệm thức ăn phát triển kinh tế gia đình. Mô hình tuy không mới, số tiền góp vốn không lớn, nhưng đã giải quyết khó khăn cho gia đình hội viên phụ nữ. Từ đó, tạo động lực giúp chị em phụ nữ vững tin, phấn đấu lao động, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Từ nhiều phong trào, mô hình được triển khai hiệu quả, hội LHPN xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Phú đã thu hút, tập hợp nhiều hội viên phụ nữ tham gia. Qua đó, phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ, tiết kiệm giữa các hội viên, giúp nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thi đua lao động sản xuất, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.

TRỌNG TÍN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhieu-mo-hinh-hieu-qua-cua-phu-nu-chau-phu-a372808.html