Nhiều mô hình 'Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm' phát huy hiệu quả

Xác định chủ đề năm 2018 'Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm' là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng nhiều mô hình, chuỗi liên kết sản xuất tiêu dùng thực phẩm an toàn, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.

Nguyên liệu làm miến là Gạo Q5 do địa phương sản xuất, không sử dụng bất cứ một loại phụ gia

Nguyên liệu làm miến là Gạo Q5 do địa phương sản xuất, không sử dụng bất cứ một loại phụ gia

Theo đó, các chị em đã thực hiện đúng cam kết các nội dung tự quản về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, bảo quản, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm, chuyển đổi hành vi, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xuất phát từ các hộ sản xuất miến gạo nhỏ lẻ, sản phẩm chỉ tiêu thụ trong xã, năm 2018, Hội Phụ nữ xã Quý Lộc đã thành lập Tổ hợp tác phụ nữ sản xuất miến gạo sạch xã Quý Lộc, với 12 tổ viên tham gia. Vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố quyết định tạo nên thương hiệu sản phẩm, ngay từ những ngày đầu thành lập, các thành viên trong Tổ hợp tác đã thay đổi cách làm thủ công, chuyển sang đầu tư máy móc hiện đại để cho sản phẩm năng suất, chất lượng cao.

Theo đó, khâu lựa chọn nguyên liệu được chuẩn bị từ khi bắc mạ, gieo cấy, chỉ dùng loại lúa Q5 do nhân dân địa phương sản xuất, không có thuốc bảo vệ thực vật. Theo kinh nghiệm của các thành viên trong Tổ, gạo lúa Q5 vụ Xuân cho sản phẩm sợi miến ngon nhất, do vậy nguyên liệu được thu mua chủ yếu từ trà sản xuất lúa vụ Xuân. Gạo sau khi ngâm say và cho vào máy để cán phải luôn đảm bảo sạch sẽ, trong quá trình chế biến không sử dụng bất cứ một loại phụ gia nào. Miến sau khi cắt sẽ được phơi tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời, sau đó đóng gói cẩn thận và đưa đi tiêu thụ. Hiện sản phẩm miến làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó, được thương lái thu mua thường xuyên và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng… Tổ hợp tác sản xuất miến gạo sạch Quý Lộc đang tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động là phụ nữ tại địa phương, cho thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định như chị Trịnh Thị Du, Vũ Thị Dung…

Chị Phạm Thị Thiện, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quý Lộc cho biết: Thời gian tới, Hội Phụ nữ xã có kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất, xây dựng thương hiệu, tiến tới sản xuất các loại miến cao cấp phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Do đó, Hội Phụ nữ xã mong các cấp Hội và chính quyền tạo điều kiện về vốn ưu đãi để Tổ mở rộng sản xuất, đầu tư nhà xưởng, máy sấy, nhằm chủ động trong việc sản xuất, tạo ra sản phẩm liên tục…

Thành lập từ năm 2015, đến nay Hợp tác xã sản xuất, chế biến các sản phẩm từ mật ong của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thạch Thành đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng nhờ đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chị Nguyễn Thị Hoa, thành viên Hợp tác xã cho biết, các yếu tố quyết định chất lượng mật ong và tạo ra đặc trưng của mật ong Thạch Thành là: Chất lượng nguồn mật, chất lượng ong, kỹ thuật khai thác, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, ong cho mật là loại ong nội đã được chọn lọc giống chất lượng cao. Khi ong khai thác về, cầu ong đủ độ đặc, độ ngọt là lúc Hợp tác xã đưa vào khai thác. Tiếp đó, mật sau khi khai thác được xử lý qua hệ thống công nghệ lọc thô, hạ thủy phân và khử nấm mốc, axit trong mật ong. Đây là khâu quan trọng để có thể đảm bảo chất lượng mật trong vòng 24 tháng không sủi bọt, không chua, không xuống màu, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (duy nhất tại Thanh Hóa). Hiện sản phẩm mật ong của Hợp tác xã được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, mã vạch, quyền sở hữu trí tuệ…

Chị Bùi Thị Bích Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thạch Thành cho biết, xuất phát từ công dụng của mật ong tự nhiên, Hội Phụ nữ huyện đang nghiên cứu để sản xuất thêm các sản phẩm: Sữa chua mật ong cucurmin, nước uống mật ong cucurmin… Với ý tưởng này, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện sẽ thành lập thêm Hợp tác xã Hưởng Hoa Thạch Thành với mục tiêu xây dựng thương hiệu mật ong, chế phẩm từ mật ong đảm bảo uy tín, chất lượng, giá cả ổn định; đồng thời giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều phụ nữ tại địa phương…

Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công 3 phiên chợ truyền thông “Phụ nữ nói không với thực phẩm bẩn”; 12 cuộc truyền thông cộng đồng về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa phương, thu hút trên 3.000 hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn tham gia. Hội chỉ đạo xây dựng 284 mô hình “Chi hội phụ nữ tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức 42 lớp tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm; kỹ năng giám sát, điều hành cho hơn 2.000 chị trong ban điều hành chi hội… Bên cạnh đó, Hội các cấp đã phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, giám sát 512 cuộc về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; đồng thời khuyến khích phụ nữ giám sát và tham gia giám sát về an toàn thực phẩm…/.

Khiếu Tư/TTXVN

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/nhieu-mo-hinh-phu-nu-thuc-hien-an-toan-thuc-pham-phat-huy-hieu-qua-20181017230837122.htm