Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp huyện Chợ Mới (An Giang) phát triển khá nhanh, với những thành tựu trong các lĩnh vực như: lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình và những tấm gương nông dân dám nghĩ, dám làm, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả.

Vườn sầu riêng đang ra hoa của ông Huỳnh Ngọc Phán

Điển hình như hộ nông dân Võ Văn Em (ấp Long An, xã Long Kiến) với diện tích 1ha sản xuất lúa kém hiệu quả đã lên liếp trồng sầu riêng, trừ chi phí thu nhập 500 triệu đồng/năm, nay đã phát triển diện tích sầu riêng lên 10ha.

Ông Nguyễn Minh Quang Trung (ấp Mỹ An, xã Mỹ An), chuyển diện tích 1,3ha đất vườn tạp thành khu vực trồng vườn công nghệ cao, mỗi năm thu nhập 277 triệu đồng. Hay với diện tích 1,6ha đất vườn trồng xoài và cóc Thái, sau khi trừ chi phí, ông Phạm Văn Thấy (ấp Long Thạnh 1, xã Long Điền A) thu lợi nhuận 176 triệu đồng/năm.

Mô hình khá hiệu quả hiện nay là xoài 3 màu. Ông Phạm Hoàng Khang (ấp Tấn Hưng, xã Tấn Mỹ) với diện tích 2ha trồng xoài VietGAP, trừ chi phí, thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Mô hình 2B (trồng bắp, nuôi bò) của ông Hồ Văn Huấn (ấp Mỹ Tân, thị trấn Mỹ Luông) với diện tích 0,5ha, ông thu lãi 146 triệu đồng/năm.

Hay hộ ông Trần Minh Phú (ấp Nhơn Lợi, xã Nhơn Mỹ) với 1ha đất ban đầu nuôi cá cộng với tính chuyên cần và quyết tâm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thường xuyên học hỏi, trao đổi, áp dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đến nay ông đã có 3ha đất ao, đất trồng trọt, lợi nhuận thu được hàng năm hơn 250 triệu đồng.

Ở huyện Chợ Mới, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi đã tạo động lực thúc đẩy hàng ngàn hộ nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tâm tìm tòi đưa và thử nghiệm máy móc, thiết bị nông nghiệp và nhân rộng các loại cây, con mới, phá vỡ thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn.

Đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kết hợp đạt hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng trong sản xuất như: mô hình ứng dụng công nghệ cao của hộ ông Nguyễn Văn Thạnh (ấp Đông, xã Mỹ Hiệp) đã sử dụng mô hình trồng xoài tưới nhỏ giọt giảm công lao động, giảm thất thoát phân bón, giảm giá thành sản xuất, có lợi nhuận khá cao; mô hình trồng hoa kiểng, thiết kế vườn hoa của ông Nguyễn Văn Có (ấp Mỹ Hòa A, xã Mỹ Hội Đông); chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ bò của hộ ông Đinh Văn Đủ (ấp Mỹ Phú, xã Mỹ An); ông Nguyễn Văn Vui (xã Hòa An) qua đi học tập cách trồng xoài đã cải tạo đất trồng lúa thành vườn xoài Cát Hòa Lộc 1,2ha, trồng rải vụ bình quân lợi nhuận 302 triệu đồng/năm.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn sầu riêng trên diện tích hơn 4.000m2, ông Huỳnh Ngọc Phán (ấp An Phú, xã An Thạnh Trung) cho biết: “Thấy trồng lúa không đạt hiệu quả cao, tôi chuyển trồng chanh dây bông tím năng suất đạt khá nhưng không có giá nên chuyển sang trồng sầu riêng. Cài hệ thống tưới tự động qua sử dụng điện thoại nên rất khỏe. Loại sầu riêng này dễ chăm sóc, năng suất cao. Sau khi cây giống trồng được 4 năm sẽ cho trái tự nhiên, không cần nhiều kỹ thuật xử lý, chi phí đầu tư phân bón, thuốc hàng năm thấp hơn 60% so với sầu riêng hạt lép. Bên cạnh đó, sầu riêng cho trái to đều, năng suất trái thường cao hơn 20%, chất lượng cơm sầu riêng không bị tình trạng sượng và lạt”.

Nông dân Lê Văn Tèo (xã Kiến Thành) chia sẻ: “Thời gian qua, gia đình chúng tôi gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chỉ có 2,5 công đất nông nghiệp, nên thu nhập hàng năm chỉ đủ ăn. Đến năm 2014, tôi tham gia lớp học về mô hình nuôi lươn trong bể xi-măng không bùn nên tôi có những kỹ thuật trong chăn nuôi. Trong khóa học, tôi được hỗ trợ 1.000 con giống, sau 9 tháng nuôi, trừ chi phí tôi thu lãi 20 triệu đồng. Tôi quyết định xây thêm 3 bồn với diện tích 12m2/bồn. Thấy nhu cầu giống khan hiếm, gia đình tôi đầu tư sản xuất giống bán nhân tạo, nay đã sản xuất 20.000 con, bán với giá 5.000-6.000 đồng/con, trừ chi phí tôi thu được 50 triệu đồng”.

Thấy mô hình hiệu quả, nhiều hộ khác làm theo. Hiện nay, số lượng lươn nhà ông Tèo và bà con xung quanh đã nâng lên 59 bồn. Lươn nuôi tự nhiên khoảng 8 tháng, sau mỗi vụ nuôi bán cho các thương lái trong tỉnh với giá khác nhau: loại 1 bán giá 140.000-150.000 đồng/kg, loại 2 giá 130.000 đồng/kg. Bình quân cứ 3 bồn nuôi lươn, trừ chi phí, lợi nhuận 60 triệu đồng. Lươn bố mẹ sau sinh sản bán với giá 140.000 đồng/kg.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nhieu-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-hieu-qua-a262882.html