Nhiều mối nguy từ nhập cảnh trái phép

Lực lượng Bộ đội Biên phòng và chính quyền, các cơ quan chức năng ở các địa phương dốc sức để ngăn chặn tình trạng người nước ngoài xuất, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để ngăn chặn dịch bệnh lây lan

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm - Bộ đội Biên phòng (BĐBP), mỗi ngày có hàng chục vụ nhập cảnh vào Việt Nam trái phép. Trong bối cảnh diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp tại các nước trong khu vực, người nhập cảnh trái phép đang làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ nước ngoài và gây áp lực rất lớn tới việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP.

Tay trong giúp sức

Thượng tá Nguyễn Thị Dung, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội, cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, các đối tượng nhập cảnh trái phép đã thay đổi nhiều thủ đoạn nhằm đối phó với cơ quan công an. Trong những vụ việc mới phát hiện gần đây tại các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, tất cả các đối tượng này nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Khi vào trong nội địa Việt Nam thì tự di chuyển bằng ôtô tư nhân về Hà Nội và phương tiện, lộ trình di chuyển do các đối tượng tổ chức nhập cảnh trái phép bố trí từ trước.

Còn theo một lãnh đạo Công an TP Hà Nội, thời gian gần đây, trên địa bàn toàn quốc nói chung và Hà Nội nói riêng nổi lên tình trạng người nước ngoài (đa số là người Trung Quốc) nhập cảnh trái phép nhằm mục đích tìm kiếm việc làm. Lợi dụng sự thuận lợi và phát triển internet tại Việt Nam để kinh doanh tài chính, hoạt động công nghệ cao, cá cược, đánh bạc… hoặc là thông qua Hà Nội để đi vào các tỉnh phía Nam hay sang Campuchia...

Một nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vừa bị bắt giữ tại quận Thanh Xuân, Hà Nội Ảnh: HUY THANH

Một nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vừa bị bắt giữ tại quận Thanh Xuân, Hà Nội Ảnh: HUY THANH

Đáng chú ý, hầu hết các vụ việc nhập cảnh trái phép đều có sự cấu kết giữa người Việt Nam và người nước ngoài, trong đó, nổi lên vai trò tiếp tay, giúp sức, bao che của một số cá nhân người Việt Nam. Nhiều cơ sở lưu trú cho người nước ngoài tạm trú nhưng không khai báo. Mặc dù cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc, huy động tối đa các nguồn lực, triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp song tình trạng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp.

Theo đánh giá của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, năm 2021, nhu cầu qua lại biên giới có chiều hướng gia tăng do vấn đề về việc làm, tránh dịch và trốn cách ly. Trong thời gian qua, cơ quan này cơ bản bám sát tình hình địa bàn, đối tượng, nhiều chuyên án lớn được xác lập, đấu tranh đã bóc gỡ nhiều đường dây, nhất là các đường dây đưa đón người Trung Quốc xuất nhập cảnh (XNC) trái phép.

Đối tượng chủ mưu ở nước ngoài

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP, cho rằng việc đấu tranh phòng, chống XNC trái phép đang gặp rất nhiều khó khăn do thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Theo đó, hầu hết các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đều cư trú ở nước ngoài (Trung Quốc, Lào hoặc Campuchia) điều hành các đối tượng trong nước để thực hiện từng công đoạn. Vì vậy, quá trình điều tra xác minh, xử lý triệt để đối tượng chủ mưu, cầm đầu, bóc gỡ toàn bộ đường dây gặp nhiều cản ngại.

Thủ đoạn của các đối tượng phạm tội là thông qua mạng xã hội thực hiện móc nối, hướng dẫn, thành lập đường dây tổ chức chặt chẽ, phân công từng công đoạn đưa đón, dẫn đường, thuê xe ôm, taxi đưa dẫn người XNC từ biên giới vào nội địa và ngược lại. Đối tượng đưa dẫn qua biên giới chủ yếu là người địa phương, thông thạo địa bàn, có điều kiện tiếp xúc, móc nối với đối tượng ở ngoài biên giới để đưa dẫn qua biên giới. Hầu hết các đối tượng đưa đón người nhập cảnh trái phép vào sâu trong nội địa đều không biết nhau, thậm chí chỉ là người chở khách bình thường.

Hiện, BĐBP duy trì 1.798 tổ, chốt với 11.378 người tham gia, trong đó có 8.245 cán bộ, chiến sĩ BĐBP và 3.133 người thuộc các lực lượng khác (tăng 185 chốt với 1.266 người so với trước đây). Các đơn vị BĐBP hiện bảo đảm trực 100% quân số, làm nhiệm vụ 24/24 giờ tại các tổ, chốt trên biên giới. Để chi viện, hỗ trợ cho lực lượng phòng, chống dịch nơi tuyến đầu biên giới, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh đã điều động, tăng cường hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lên biên giới tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

4 tháng, bắt hơn 16.500 người nhập cảnh trái phép

Năm 2020, các đơn vị BĐBP bắt giữ 6.368 vụ/37.024 người nhập cảnh trái phép; khởi tố 94 vụ/172 đối tượng, trung bình mỗi ngày bắt 20 vụ/120 người XNC trái phép. Sang năm 2021, tình trạng XNC trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ ngày 1-1 đến 27-4 các đơn vị BĐBP đã bắt 3.020 vụ/16.502 người XNC trái phép, khởi tố 35 vụ/74 đối tượng. Tính trung bình, mỗi ngày có 26 vụ/142 người XNC trái phép. Số liệu thống kê cũng cho thấy trong quý I/2021, số vụ XNC trái phép tăng 772 vụ/2.323 người so với quý IV/2020.

Đại tá HOÀNG VĂN CHÍNH, Trưởng Phòng Quản lý XNC, Công an Hà Nội:

Phát động phong trào quần chúng tố giác

Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng nhập cảnh trái phép, cần chú trọng phát động phong trào quần chúng tố giác người nước ngoài nhập cảnh - cư trú trái phép. Chúng ta phải xây dựng được thế trận phối hợp phòng ngừa, kiểm soát khép kín ngay từ các tuyến biên giới, trên các tuyến quốc lộ, giữa các lực lượng và giữa các địa phương.

Các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội sẽ tăng cường việc tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở lưu trú, nhà cho thuê... trên địa bàn (nhất là tại các tòa nhà, khu chung cư mới) để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý những vi phạm liên quan đến hoạt động XNC. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trao đổi thông tin, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các đối tượng nhập cảnh trái phép theo quy định pháp luật.

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN THIỆN, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (BĐBP):

Phòng ngừa từ ngoài biên giới

Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh BĐBP trong đấu tranh chống XNC trái phép, chống tội phạm, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong công tác nghiệp vụ và bắt giữ, điều tra xác minh, xử lý, tuyệt đối không để lây nhiễm dịch Covid-19. Chúng tôi chỉ đạo lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm các cấp, nhất là các đơn vị cơ sở, tiếp tục rà soát kỹ, phân loại địa bàn, đối tượng, kịp thời phát hiện các biểu hiện nghi vấn và đường dây, tổ chức về XNC trái phép và tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... để áp dụng ngay các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh triệt để các hành vi này.

Cùng với đó, các lực lượng chức năng tập trung chỉ đạo công tác điều tra cơ bản, chủ động và nắm chắc tình hình từ xa, từ ngoài biên giới; chủ động các kế hoạch nghiệp vụ, đẩy mạnh xác lập, đấu tranh chuyên án, áp dụng tổng thể và liên hoàn các biện pháp nghiệp vụ, phục vụ tốt cho công tác đấu tranh, khai thác, điều tra, xử lý các vụ XNC trái phép.

Ông HOÀNG VĂN THANH, Giám đốc Công ty TNHH Đa Sắc (TP HCM):

Áp dụng các biện pháp ngoại giao

Nếu chỉ ngăn chặn nhập cảnh trái phép bằng các biện pháp từ trong nước thì chúng ta sẽ luôn bị động và khó lường hết các tình huống phức tạp xảy ra. Chúng ta có tuyến biên giới rất dài trên đất liền và biên giới biển rộng mở nên khó có đủ lực lượng ngăn ngừa toàn diện. Mặt khác, trong bối cảnh mở cửa kinh tế, hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước rất lớn nên cũng có nhiều kẽ hở để các đối tượng tổ chức nhập cảnh trái phép lợi dụng.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng quốc gia cần có những biện pháp ngoại giao với các nước lân cận, hợp tác ngăn chặn người vượt biên trái phép từ ngoài biên giới Việt Nam. Đây có thể là biện pháp phòng vệ từ xa để phần nào "lọc" được người vi phạm bước đầu, giảm áp lực cho các đơn vị ngăn chặn nhập cảnh trái phép trong nước.

V.Duẩn - H.Nghi ghi

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/nhieu-moi-nguy-tu-nhap-canh-trai-phep-20210508204802742.htm