Nhiều nạn nhân của địa ốc Alibaba lên tiếng

Nhiều nhân viên đã quay lại làm đơn tố cáo 'anh Luyện', cho dù trước đó họ còn in những lá đơn yêu cầu khách hàng 'không làm đơn tố cáo' lãnh đạo của họ. Nhân viên công ty còn lan truyền cho nhau thông tin công ty phá sản. Trang web của công ty này cũng ngưng hoạt động...

Diễn biến mới nhất, ngày 26-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thái Lực, 20 tuổi, em trai của Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba.

Một ngày trước đó, Lực đã được cơ quan điều tra triệu tập làm việc. Như vậy, đến thời điểm này, cả ba anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực, những nhân sự chủ chốt của Công ty Alibaba đều đã chính thức bị bắt và tạm giữ để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khách hàng - nạn nân của Alibaba tới cơ quan Công an làm đơn tố cáo.

Khách hàng - nạn nân của Alibaba tới cơ quan Công an làm đơn tố cáo.

Lòng tham vô đáy

Suốt tuần qua, hàng trăm khách hàng của Alibaba đã liên tục kéo đến trụ sở Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP Hồ Chí Minh (số 674, đường 3-2, phường 14, quận 10) để nộp đơn trình báo, tố cáo hành vi lừa đảo của Công ty Alibaba.

Cơ quan này đã huy động cán bộ, chiến sĩ túc trực, hướng dẫn người dân làm thủ tục tố cáo, đảm bảo trật tự. Công an TP Hồ Chí Minh đã dán thông báo hướng dẫn nội dung làm đơn và chuẩn bị các tài liệu để tố cáo.

Mặt khác, Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an, công an các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu điều tra, xác minh làm rõ các dấu hiệu sai phạm, vi phạm pháp luật xảy ra tại Công ty Alibaba. Kết quả điều tra ban đầu xác định, Nguyễn Thái Luyện là chủ mưu, chỉ đạo các em của mình lập Công ty Alibaba và các công ty con thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp (trong đó có một số rất ít đất ở tại nông thôn) giao cho các cá nhân đứng tên.

Alibaba đã tự vẽ ra nhiều dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… rồi tổ chức quảng cáo là đất dự án để bán cho các khách hàng.

Núp dưới danh nghĩa quan hệ dân sự, thể hiện qua các hợp đồng mua bán, góp vốn tham gia dự án, Luyện và đồng phạm tự tin sẽ né tránh được trách nhiệm hình sự, che giấu được ý đồ và hành vi lừa đảo. Nhưng, CQĐT đã không để cho tập đoàn này kéo dài thêm chuỗi hành vi phạm tội. Những biện pháp xử lý đã được cơ quan công an tiến hành dồn dập.

Khách hàng - nạn nân của Alibaba tới cơ quan Công an làm đơn tố cáo.

Luyện vừa bị bắt, CQĐT đã liên tục tiếp nhận đơn tố cáo của nạn nhân. Đến ngày 25-9, có hơn 900 khách hàng - nạn nhân đã tố cáo Công ty Alibaba lừa đảo chiếm đoạt chiếm đoạt của họ trên 500 tỉ đồng. Tối 25-9, Cơ quan CSĐT đã công bố danh sách 43 dự án “ma” tại 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu mà Công ty CP Địa ốc Alibaba đã bán cho 6.700 khách hàng để chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.

Trong khi mẹ của Nguyễn Thái Luyện vừa xuất hiện trước báo giới, thanh minh rằng Luyện đang “hy sinh” vì hàng ngàn lao động của công ty Alibaba thì đến chiều 26-9, thành viên thứ 3 trong gia đình này là Nguyễn Thái Lực, mới 20 tuổi, lại tiếp tục bị tạm giữ. Lực đứng tên nhiều giấy tờ đất, và là giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa ốc xanh (TX Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu) và Công ty cổ phần địa ốc Long thành Ali (xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai). Hai công ty này đang thực hiện nhiều “dự án” ma của Alibaba.

Giật mình, tỉnh ngộ!

Sau khi công ty bị khám xét, anh em Luyện - Lĩnh bị bắt, bà Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó tổng Giám đốc Alibaba và các nhân viên vẫn còn rất tự tin vào khả năng “ứng phó” của lãnh đạo công ty, thể hiện “một lòng một dạ” bảo vệ “lẽ phải” và bảo vệ “anh Luyện” đến cùng. Họ cho rằng chính “anh Luyện” là người đem đến cho họ công ăn việc làm, cho họ cuộc sống. Họ vẫn chưa nhận ra, hoặc không chịu tin rằng bản thân cũng là một nạn nhân.

Hàng trăm khách hàng cũng có ý nghĩ tương tự. Một khách hàng trót mua lô dự án ở Tân Thành của Alibaba cho rằng: “Chỉ là mình đầu tư sai quy định. Đất dự án, lẽ ra cần phải được Nhà nước, tỉnh ra chủ trương, có quyết định... thì mới được phân lô, bán nền. Chắc tại Alibaba… quá vội”.

Nhưng, mọi sự tin tưởng và kỳ vọng đều đã nhanh chóng vỡ như bong bóng. Từ sáng 21-9, nhiều nhân viên của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) đến trụ sở trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) thu dọn đồ đạc và mạnh ai nấy đi. Các trụ sở khác ở Thủ Đức, Bình Dương, Đồng Nai... cũng rục rịch đóng cửa, vì không có ai chỉ huy.

Nhiều nhân viên đã quay lại làm đơn tố cáo “anh Luyện”, cho dù trước đó họ còn in những lá đơn yêu cầu khách hàng “không làm đơn tố cáo” lãnh đạo của họ. Nhân viên công ty còn lan truyền cho nhau thông tin công ty phá sản. Trang web của công ty này cũng ngưng hoạt động.

Ngày 22 -9, một super sale của Alibaba đã thông báo trên trang cá nhân: “Bây giờ sẽ không còn ai là lãnh đạo Alibaba. Ngày mai lúc 8 giờ 45 sẽ có trao đổi trực tiếp về việc khách hàng và trưng cầu ý sale! Hiện tại tháng này không lương, không hoa hồng gì hết! Đặc biệt lưu ý là ngày mai không được mặc đồng phục Alibaba đi họp!”.

Cơ quan Công an làm việc với anh em ông Luyện tại trụ sở Công ty Alibaba.

“Mỡ nó rán nó”

Nguyễn Thái Luyện và bộ sậu Alibaba đã tinh vi khi tổ chức kinh doanh, môi giới bất động sản theo hình thức đa cấp và huy động vốn lãi suất cao theo mô hình Ponzi. Khi các nhân viên kéo thêm người tham gia vào công ty thì lập tức được thăng chức dần dần. Do đó nhiều nhân viên nỗ lực kéo người tham gia vào “tập đoàn” để thành... lãnh đạo.

Theo cơ quan điều tra, đến thời điểm hiện tại, lượng nhân viên của Alibaba và các công ty con đã lên đến 2.600 người. Theo định kỳ hàng tháng, công ty đã tổ chức trao thưởng có giá trị lớn, thường là ôtô cho các nhân viên bán hàng có doanh số cao gọi là super sale. Nguồn tiền trao thưởng thực tế là tiền của khách hàng đóng vào, bị lừa mua đất ở khắp nơi.

Có 4 hình thức “hợp đồng tùy chọn” gồm nhận đất, nhận lãi 6 tháng, 12 tháng (lãi 28%/năm) hoặc cho công ty thuê lại với lãi suất 2%/tháng. Tuy nhiên, thực tế thì Alibaba chỉ giao đất trên giấy, còn lãi suất chỉ là tiền của người sau được lấy trả cho người mua trước. Nhiều tháng nay, việc chi trả lãi theo hợp đồng đã không được thực hiện, do lượng khách hàng dính bẫy mới không nhiều.

Phần lớn, dòng tiền cũng chính là của 2.600 nhân viên công ty huy động góp vào, được chi một phần trả lương, thưởng cho chính họ. Alibaba đang “hút máu” chính nhân viên của mình.

Số lượng đất nông nghiệp công ty này đã thu gom lên tới hơn 600 ha, được “vẽ” ra 43 dự án ma, tại Đồng Nai có 29 dự án, Bà Rịa - Vũng Tàu 9 dự án, Bình Thuận 2 dự án.... Sau nhân viên, đến lượt khách hàng là nạn nhân. Tính đến ngày 30-6-2019, Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỉ đồng.

Nạn nhân là những người đầu tư mua đất, vì thiếu hiểu biết pháp luật về đất đai, tin nhầm vào lời giới thiệu gian dối của Alibaba. Nhưng chứng minh cấu thành tội lừa đảo thì không đơn giản. Cũng phải thấy rằng, một phần lỗi là do người đầu tư. Thấy lợi nhuận mà Alibaba cam kết rất cao nên bất chấp mọi cảnh báo từ chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông, họ lao vào như con thiêu thân.

Dòng tiền của khách hàng chảy về đâu?

Khi bắt giữ Luyện, Lĩnh cũng như khám xét trụ sở, văn phòng giao dịch của Công ty Alibaba, trụ sở các công ty con, Cơ quan Công an đã thu giữ lượng tang vật “khủng”. Theo thống kê, tang vật này bao gồm: 376 thùng tài liệu là những chứng từ sổ sách của Alibaba, các công ty con; hơn 9 tỉ đồng tiền mặt, 257 miếng kim loại màu vàng, 20 thỏi kim loại màu vàng đang được giám định, 3 xe ôtô các loại, 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các khu đất ở nhiều tỉnh, thành...

Tuy nhiên, số tang vật tài sản thu giữ, số tiền trong các tài khoản ngân hàng là… không đáng kể so với số mà Nguyễn Thái Luyện và bộ sậu Alibaba đã chiếm đoạt của khách hàng thông qua các hợp đồng mua bán đất nền. Vậy phần lớn số tiền đó đã đi đâu, được sử dụng như thế nào?

Nguyễn Thái Linh bị bắt giữ (ảnh trái); Nguyễn Thái Luyện được “mời” lên xe về trụ sở Công an.

Phần lớn tiền khách hàng đóng vào, Luyện chỉ đạo cho người thân, nhân viên thân tín dùng để mua đất nông nghiệp ở nhiều nơi và dùng chi trả lãi suất cho khách hàng. Ban đầu, Alibaba mời chào khách hàng đầu tư mua đất với rất rẻ so với thị trường, mỗi lô có giá khoảng 300 - 400 triệu, tùy vị trí “dự án”.

Tiếp đó, một trong các công ty con của Alibaba đứng ra ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với khách hàng. Rất nhiều khách hàng hám lợi bị Alibaba đưa vào tròng kinh doanh bất động sản đa cấp, bị lấy “mỡ nó rán nó”?

Số lô, diện tích ở từng “dự án” đều do Alibaba tự vẽ. Công ty con của Alibaba yêu cầu khách hàng thanh toán làm 2 đợt. Đợt 1 là ngay sau ký hợp đồng (95% giá trị lô đất), đợt 2 thanh toán 5% giá trị lô đất và nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước đây, thời hạn công ty bàn giao đất là 12 tháng, gần đây chỉ còn 6 tháng.

Sau khi ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thanh toán tiền, khách hàng sẽ ký tiếp “hợp đồng quyền chọn” với Alibaba. Trong hợp đồng này, Alibaba đưa ra 4 phương án để khách hàng lựa chọn. Một là, Alibaba thuê lại đất của khách hàng với giá thuê 2%/tháng trên tổng giá trị nền đất, thời gian thuê là 12 tháng, chỉ áp dụng cho các trường hợp thanh toán 95% giá trị nền đất. Hai là, Aliabba mua lại của khách hàng với chênh lệch 30% sau 12 tháng.

Ba là, Alibaba mua lại với chênh lệch 38% sau 15 tháng. Bốn là, thanh toán 50% và trả góp 3 triệu đồng/tháng, lãi suất 0% và Alibaba sẽ mua lại với chênh lệch 38% sau 15 tháng, khi thanh toán đủ 95% giá trị nền đất. Khách hàng sẽ nhận được lãi suất tương ứng với một trong các quyền chọn trên.

Lãnh đạo Công ty Alibaba còn khai báo, dòng tiền khách hàng đóng vào luôn luôn phải… xoay vòng. Một phần để duy trì hoạt động của “tập đoàn”, lập ra hàng loạt chi nhánh, trả lương cho đội ngũ nhân viên để phục vụ cho việc kinh doanh, bán các dự án “ma”. Ngoài ra, có những khoản trích từ tiền khách hàng, Luyện sử dụng để chi dùng cá nhân, mua ôtô các loại để sử dụng nhằm tạo ra thanh thế, uy tín cho tên tuổi cá nhân và “tập đoàn” Alibaba.

Đáng nói, mới đây khi Bộ Công an phong tỏa tài khoản, Luyện và các lãnh đạo Alibaba vẫn triển khai các dự án ma, lỳ lợm, bất chấp pháp luật. Theo Luyện, mục đích là tiếp tục đưa khách hàng vào tròng, để có dòng tiền xoay vòng, chứ nếu không “đế chế” Alibaba sẽ sớm… sụp đổ. Vụ việc cho thấy có nhiều kẽ hở, buông lỏng trong quản lý bất động sản tạo cơ hội cho Công ty Alibaba lừa đảo khách hàng. Trách nhiệm của chính quyền các địa phương cũng cần phải xem xét một cách nghiêm túc.

Đức Hà – Đức Mừng

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/nhieu-nan-nhan-cua-dia-oc-alibaba-len-tieng-563863/