Nhiều người bị đột quỵ vì làm việc quá sức

Kiệt sức nghề nghiệp nếu không được lưu tâm điều trị có thể gây căng thẳng quá mức, mệt mỏi, mất ngủ, trầm cảm, bệnh tim mạch, thậm chí đột quỵ.

Kiệt sức nghề nghiệp là một hình thức của căng thẳng nghề nghiệp, một trạng thái kiệt quệ về thể lý, cảm xúc hoặc tinh thần kết hợp với những nghi ngờ về khả năng làm việc và giá trị công việc của chính mình.

Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Hoàng Anh Vũ, Phòng khám tâm lý Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức (TP.HCM), người dân có thể đang trải qua kiệt sức nghề nghiệp khi có các dấu hiệu như:

Trở nên hoài nghi hoặc chỉ trích cực đoan tại nơi làm việc;

Miễn cưỡng đi làm và khó khăn với việc bắt đầu vào công việc khi đến chỗ làm;

Trở nên cáu kỉnh hay mất kiên nhẫn với đồng nghiệp, khách hàng;

Thiếu năng lượng để làm việc hiệu quả trong thời gian dài;

Cảm thấy thiếu thỏa mãn đối với các thành tựu của mình;

Thấy thất vọng về công việc của mình;

Sử dụng đồ ăn, thuốc hay đồ uống có cồn để cảm thấy tốt hơn hay đơn giản chỉ để không cảm thấy điều gì;

Thay đổi thói quen ngủ hay ăn uống;

Có các rắc rối về việc đau đầu, đau lưng hoặc những khó chịu thể lý khác mà bạn không biết nguyên nhân.

"Nếu bạn trả lời "có" cho bất kì vấn đề nào ở trên, bạn có thể đang trải qua kiệt sức nghề nghiệp. Tuy nhiên, để chắc chắn bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Nhiều triệu chứng có thể biểu hiện cho các tình trạng sức khỏe khác ví dụ như rối loạn tuyến giáp hoặc trầm cảm" - chuyên gia cho biết.

 Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống có thể gây kiệt sức nghề nghiệp. (Ảnh minh họa)

Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống có thể gây kiệt sức nghề nghiệp. (Ảnh minh họa)

Có nhiều nguyên nhân gây ra kiệt sức nghề nghiệp, cụ thể như:

- Thiếu kiểm soát, không có khả năng kiểm soát các quyết định của công việc, chẳng hạn như lịch làm việc, nhiệm vụ và khối lượng công việc.

- Nếu bạn không rõ ràng về trình độ của người lãnh đạo hoặc các kỳ vọng của người giám sát, người khác ở bạn, bạn cũng dễ dàng không cảm thấy thoải mái khi làm việc.

- Việc bị bắt nạt ở công sở, bạn cảm thấy bị tổn thương bởi các cộng sự hoặc sếp quản lý quá khắc khe cũng có thể góp phần vào căng thẳng nghề nghiệp.

- Nếu giá trị của bạn khác với cách thức làm việc hoặc giải quyết khiếu nại của sếp thì sự không phù hợp này cuối cùng có thể gây ra nguy hại.

- Công việc của bạn không phù hợp với sở thích và kỹ năng của bạn, căng thẳng có thể tăng lên theo thời gian.

- Khi một công việc quá đơn điệu hoặc quá rối rắm, bạn cần phải có mức năng lượng cần thiết để duy trì sự tập trung – điều mà có thể dẫn đến mệt mỏi và kiệt sức nghề nghiệp.

- Thiếu hỗ trợ xã hội, điều này khiến bạn cảm thấy bị cô độc ở nơi làm việc và trong cả cuộc sống cá nhân, bạn sẽ có nhiều stress hơn.

- Nếu công việc chiếm quá nhiều thời gian và nỗ lực của bạn, và bạn không có đủ năng lượng để dành thời gian với gia đình, bạn bè. Bạn có thể kiệt sức một cách nhanh chóng.

Kiệt sức nghề nghiệp có thể gây trầm cảm, thậm chí đột quỵ. (Ảnh minh họa)

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Hoàng Anh Vũ cảnh báo, việc lờ đi hoặc không lưu tâm đến kiệt sức nghề nghiệp có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, gồm: căng thẳng quá mức, mệt mỏi, mất ngủ, trầm cảm lo âu. Bạn có thể lan tỏa sự tiêu cực vào trong mối quan hệ cá nhân hoặc trong cuộc sống gia đình, lạm dụng chất có cồn hoặc thuốc.

Kiệt sức nghề nghiệp dễ dẫn đến các bệnh như tim mạch, tiểu đường type 2 (đặc biệt ở phụ nữ), tăng cholesterol, béo phì. Thậm chí, nạn nhân bị kiệt sức nghề nghiệp còn có thể bị đột quỵ.

"Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể đang trải qua kiệt sức nghề nghiệp, đừng lờ đi các triệu chứng. Hãy đến gặp các chuyên gia để có thể tìm kiếm sự hỗ trợ tốt nhất, cùng bạn khám phá vấn đề, tái xây dựng lại cuộc sống, công việc" - chuyên viên Anh Vũ đưa ra lời khuyên.

Mộc Lê

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhieu-nguoi-bi-dot-quy-vi-lam-viec-qua-suc-d408736.html