Nhiều người dân đồng tình có bỏ được tục đốt vàng mã?

Rất nhiều người dân đồng tình ủng hộ đề xuất bỏ tục đốt vàng mã, nhưng một số ý kiến lại cho rằng, việc bỏ đốt vàng mã khó thực hiện và cũng không nên, bởi đây là phong tục có từ ngàn đời.

Hình ảnh người dân đốt vàng mã tại chùa Hà. Ảnh: B. Loan

Đốt vàng mã không có trong giáo lý nhà Phật

Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản đề nghị các Chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ Tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Trước thông tin này, đa số người dân đều đồng tình ủng hộ bởi việc đốt vàng mã quá nhiều có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dễ gây hỏa hoạn và lãng phí tiền của. Trong khi đó, cả nước có hàng triệu trẻ em ở các vùng núi cao đang gặp khó khăn, không đủ điều kiện đi học, hàng ngàn người già không có nơi nương tựa,...

Đồng tình với đề xuất trên, chị Nguyễn Thị Yến (43 tuổi, ở Nguyễn Khang, Cầu Giấy) bày tỏ: “Thỉnh thoảng vào nghĩa trang Văn Điển thắp hương cho chồng, tôi thấy có những nhà hành lễ mai táng người thân mà sử dụng đến vài ôtô để chở hàng mã vào nghĩa trang để đốt. Tôi nghĩ, để bỏ tiền ra mua số hàng mã đó là quá lãng phí, hoặc nếu đốt thì nên đốt tượng trưng. Trong khi người nghèo ở các vùng núi cao thì thiếu ăn thiếu mặc, không có cơ hội học hành hoặc những bệnh nhân hiểm nghèo không có cơ hội chữa bệnh… thì ta có thể quyên góp, ủng hộ một phần số tiền mua vàng mã để đầu tư cho các vấn đề an sinh xã hội”.

Cũng theo chị Yến, đã có nhiều vụ hỏa hoạn xuất phát từ việc đốt vàng mã. Bây giờ có chủ trương bỏ tục đốt vàng mã cũng chưa phải là muộn.

Cùng quan điểm với chị Yến, ông Nguyễn Văn Toàn (68 tuổi, ở Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Với người nghèo không có vài trăm ngàn để ăn Tết, đến nỗi chính quyền phải hỗ trợ nhưng có những gia đình mang cả triệu bạc để sắm cho đầy đủ đồ vàng mã để đốt xuống âm phủ dịp Tết về. Nhà giàu còn đốt nhà lầu, xe hơi, người giúp việc… thật sự, tôi thấy quá lãng phí”.

Ông Toàn bày tỏ: “Lãng phí từ tài nguyên giấy, trong khi diện tích rừng thì ngày càng bị thu hẹp, đến việc gây ảnh hưởng môi trường, sức khỏe rồi đến các vụ hỏa hoạn… Đây là một hủ tục lạc hậu, không thuần Việt. Người Việt Nam cần từ bỏ những thứ như là rượu bia, chất kích thích, cờ bạc, mại dâm… trong đó có cả tục đốt vàng mã. Xã hội cần tập trung lo cho những người yếu thế trong xã hội”.

Chia sẻ về nguồn gốc của thủ tục đốt vàng mã với PV Báo Gia đình & Xã hội, thầy Thích Trí Thịnh – Phó Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, trụ trì chùa Kim Sơn – Lạc Hồng (Lạc Hồng Viên, Hòa Bình) cho biết: “Tục này có xuất phát điểm từ Trung Quốc, từ xa xưa, những hình nhân là người hầu để chôn cùng vua chúa được làm bằng gỗ, vì tốn kém và phức tạp, mất nhiều công sức nên người Trung Quốc chuyển làm bằng rơm rạ. Tuy nhiên, việc tạo hình nhân bằng rơm này vẫn rất cồng kềnh nên thay đổi sang loại hình giấy. Vậy nên, tôi khẳng định, quan điểm của nhà Phật là không có thủ tục đốt vàng mã”.

Đánh thuế thật nặng

Một hình nhân tại “thủ phủ” hàng mã làng Phúc Am (Thường Tín) chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.

Trên thực tế, lại có những ý kiến cho rằng, với điều kiện nước ta như hiện nay thì việc cấm đốt vàng mã là điều khó thực hiện và cũng không nên. Bởi đây là phong tục có từ ngàn đời. Thay vào đó, chỉ cần đánh thuế cao mặt hàng vàng mã và các cơ sở sản xuất hàng mã, hoặc quy định các loại vàng mã được phép sản xuất, ví dụ như tiền, vàng, quần áo; cấm sản xuất một số mặt hàng mã như nhà cửa, ôtô, máy bay, điện thoại, người hầu... Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân tự giác không đốt hàng mã hoặc hạn chế đốt hàng mã.

Ông Nguyễn Minh Tú (48 tuổi, ở Đại La) cho biết: “Toàn bộ việc sản xuất hàng mã là sản xuất tự phát, có đánh thuế nặng thì họ cũng lách thuế mà bán, ví dụ như đánh thuế 1 năm là 10 triệu đối với hộ sản xuất vàng mã. Thế nhưng mặt hàng này cũng rất khó để đánh thuế được họ, vì mỗi tháng 1 hộ chỉ làm chừng 2 ngày là đủ bán, thời gian còn lại họ làm việc khác”.

Theo Thầy Thích Trí Thịnh: “Người dân sẽ không bỏ được tục đốt vàng mã ngay, vì đây là thói quen đã ăn sâu vào tâm trí, thủ tục, coi như là truyền thống của người dân, nên phải bỏ từ từ bằng cách giảm bớt số lượng như phải đốt 10 thì chỉ đốt 1. Bây giờ mới có văn bản đề xuất bỏ chính thức nhưng trên thực tế, các thầy đã giáo hóa các chùa từ rất lâu. Việc sản xuất hàng mã được coi là một nghề tại các làng nghề như ở Thường Tín, Bắc Ninh… thậm chí thu nhập chính của cả làng chỉ phụ thuộc vào việc sản xuất hàng mã cung cấp ra thị trường. Chính vì vậy, để từ bỏ hẳn thủ tục đốt vàng mã thì Nhà nước phải có chủ trương hỗ trợ việc làm cho người dân, chính quyền địa phương và các cấp, các ngành phải có kế hoạch, định hướng nghề nghiệp đối với những hộ sản xuất hàng mã”.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, việc đốt vàng mã tại các lễ hội sẽ rất khó xử lý. Nghị định 103 của Chính phủ về văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng có nội dung cấm đốt vàng mã nơi công cộng nhưng lại không cấm sản xuất, vận chuyển vàng mã nên có cầu vẫn sẽ có cung. Thậm chí, Nghị định 158 của Chính phủ cho phép xử phạt đốt đồ mã ở những nơi không đúng quy định. Tuy nhiên, Nghị định lại lại không quy định rõ những nơi nào không được đốt vàng mã. Thế nên, muốn giải quyết triệt để hiện tượng này, các cơ quan chức năng phải xây dựng chế tài xử phạt, chứ không đơn giản là tuyên truyền, vận động như hiện nay.

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhieu-nguoi-dan-dong-tinh-co-bo-duoc-tuc-dot-vang-ma-20180301081259618.htm