Nhiều người trẻ rơi vào vòng xoáy nợ nần vì thói quen 'mua trước, trả sau'

Hình thức thanh toán 'mua trước, trả sau' (Buy now, pay later - gọi tắt là BNPL) đang trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với người tiêu dùng trẻ tuổi. Tuy nhiên, nó cũng mang lại rủi ro không nhỏ khi đẩy họ vào vòng xoáy nợ nần.

Hình thức "mua ngay, trả sau" đang là xu hướng được giới trẻ Mỹ ưa chuộng (Ảnh minh họa)

Hình thức "mua ngay, trả sau" đang là xu hướng được giới trẻ Mỹ ưa chuộng (Ảnh minh họa)

Sarah Pfefferle đã tiết kiệm được 16.000 USD cho ngôi nhà tương lai của mình vào năm 18 tuổi. Nhưng rồi cô bắt đầu mua sắm bằng hình thức ‘mua trước, trả sau”, và kế hoạch mua nhà cũng tiêu tan từ đó.

Chỉ trong vòng hai tháng, cô gái Chicago đã mắc khoản nợ 5.000 USD từ ba công ty cho vay trả góp. Các khoản nợ kếch xù cùng với chi phí y tế đột xuất đã tiêu hao phần lớn tiền tiết kiệm của Pfefferle và khiến cô phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ một cố vấn tài chính. Điểm tín dụng của cô đã giảm từ 720 xuống còn 580 sau khi cô khóa các tài khoản của mình.

Pfefferle, hiện 21 tuổi, cho biết kế hoạch mua nhà của cô sẽ phải lùi lại ít nhất hai năm. Và cô sợ rằng mình sẽ không thể vay thế chấp. “Tôi có rất ít tiền tiết kiệm để phòng những trường hợp khẩn cấp. Đó là một vòng luẩn quẩn”, cô gái trẻ nói.

Trường hợp như Pfefferle không phải hiếm. Khái niệm “mua trước, trả sau” đang ngày càng trở nên phổ biến. Dịch vụ tài chính này cho phép người tiêu dùng trả tiền mua hàng thành bốn đợt với lời hứa không tính lãi suất cùng với tiêu chuẩn đăng ký đơn giản. Điều đó đã thu hút những người tiêu dùng trẻ tuổi có ít lịch sử tín dụng.

BNPL như một giải pháp thay thế cho thẻ tín dụng đối với gen Z. Affirm, AfterPay, Klarna và Sezzle là những cái tên tiên phong trong lĩnh vực khởi nghiệp với dịch vụ “mua trước trả sau”. Lợi nhuận của các công ty này đến từ việc tính phí người bán 1,5-7% giá giao dịch. Những nhà bán lẻ cũng sẵn sàng trả mức phí này. Theo nghiên cứu của RBC Capital Markets, các dịch vụ BNPL trực tuyến giúp thúc đẩy doanh số bán lẻ trung bình 30-50% và tăng tỷ lệ mua hàng của khách hàng.

Ứng dụng "mua trước, trả sau" Afterpay (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Các khoản cho vay ngắn hạn trở nên phổ biến trong thời kỳ đại dịch. Theo báo cáo từ Cục Bảo vệ tài chính của người tiêu dùng Mỹ (CFPB), BNPL đã tạo ra 180 triệu khoản vay với tổng trị giá 24,2 tỷ USD vào năm 2021, tăng gấp 10 lần so với năm 2019.

Lời hứa về việc thanh toán không lãi suất đã khiến các sản phẩm BNPL trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với gen Z – những người thường đề phòng với thẻ tín dụng. Tuy nhiên, BNPL “chỉ miễn phí khi bạn tuân theo tất cả các quy tắc,” Ed Mierzwinski, Giám đốc cấp cao tại Tổ chức nghiên cứu lợi ích công của Mỹ, cho biết.

Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, CFPB phát hiện ra rằng nhiều người trẻ tuổi có khả năng không trả được nợ hoặc nợ được gửi cho bên thu nợ thứ ba. Theo báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, 18% người tiêu dùng từ 18-29 tuổi thanh toán trễ hạn vào năm 2021.

Mierzwinski cho biết hoạt động tiếp thị của dịch vụ BNPL nhắm vào người tiêu dùng trẻ - những người chưa biết cách quản lý tài chính vì thiếu kinh nghiệm. Trong các tuyên bố được gửi qua email, Afterpay, Klarna và Affirm đều cho biết họ cung cấp nhiều biện pháp bảo vệ người tiêu dùng hơn so với thẻ tín dụng và nhấn mạnh rằng họ không tính lãi và không tính phí nếu người dùng thanh toán trễ hạn.

Một trong những rủi ro lớn nhất là người tiêu dùng có thể chia khoản nợ vào nhiều tài khoản BNPL khác nhau với các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau. Theo một khảo sát do Hiệp hội Công nghệ Tài chính thực hiện, 40% người dùng BNPL đã vay từ nhiều nhà cung cấp.

Gabrielle cảm giác như mình không tiêu tiền vì cô chủ yếu “mua trước, trả sau”. Hơn một năm sau, cô gái 19 tuổi ngập trong đống quần áo mới, đồ trang điểm và khoản nợ 3.500 USD trên một số ứng dụng BNPL.

Đối với một trường hợp, việc thanh toán BNPL trễ hạn có thể gây ra hậu quả lâu dài. Briana Gordley, 24 tuổi, cho biết cô không hiểu những cạm bẫy tiềm ẩn của BNPL khi lần đầu tiên bắt gặp quảng cáo Afterpay tại cửa hàng quần áo Forever 21 vào năm 2016. “Mua trước, trả sau” là một cách an toàn để cô có thể mua những thứ mình thích với tiền lương làm thêm ít ỏi.

Chỉ 18 tháng sau, cô gái gốc Texas đã chi 1.500 USD cho ba nền tảng. Cô buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ để có thể trả nợ.

Mặc dù các khoản thanh toán trễ hạn của Gordley không ảnh hưởng đến điểm tín dụng, nhưng điều đó không đúng với tất cả mọi người. Các văn phòng tín dụng lớn như Equifax Inc. và Experian Plc cho biết họ sẽ bắt đầu đưa các giao dịch BNPL vào báo cáo tín dụng của người tiêu dùng, mặc dù không phải tất cả các bên cho vay đều báo cáo dữ liệu cho họ. Điều này có thể ảnh hưởng đến điểm tín dụng của người tiêu dùng.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/the-gioi/nhieu-nguoi-tre-roi-vao-vong-xoay-no-nan-vi-thoi-quen-mua-truoc-tra-sau-167145.html