Nhiều nguy cơ khiến dịch tả lợn châu Phi phát sinh

Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 18 quận, huyện của thành phố Hà Nội và có nguy cơ tiếp tục phát sinh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt, đặc biệt có thể xảy ra ở trại chăn nuôi quy mô lớn.

Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội về tình hình và công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 666 hộ ở 185 thôn, tổ dân phố tại 84 xã, phường thuộc 18 quận, huyện (Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Quốc Oai, Hoàng Mai, Thạch Thất, Phúc Thọ, Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín, Chương Mỹ, Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Mê Linh, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Ba Vì), làm mắc bệnh, tiêu hủy 9.707 con.

Cán bộ thú y phun thuốc khử trùng, tiêu độc môi trường tại các khu vực chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Chương Mỹ. (Ảnh: Lan Oanh).

Cán bộ thú y phun thuốc khử trùng, tiêu độc môi trường tại các khu vực chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Chương Mỹ. (Ảnh: Lan Oanh).

Nhìn chung, các ổ dịch được giám sát, phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý dứt điểm; số lợn mắc tại hộ có dịch được tiêu hủy kịp thời, đúng quy định và áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch.

Dự báo thời gian tới, các ổ dịch tiếp tục xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, đặc biệt có thể xảy ra ở trại chăn nuôi quy mô lớn là rất cao.

Qua bản đồ phân bố xã có dịch bệnh cho thấy các huyện chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi đều tiếp giáp với xã có dịch. Diễn biến thời tiết những ngày qua phức tạp kèm theo mưa phùn. Chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng và điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt còn chiếm tỷ lệ cao. Một số hộ có dịch xảy ra ở khu vực gần sông, kênh mương...

Trước thực tế đó, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 của Thủ tướng và Công điện số 08 ngày 22/2/2019 của Chủ tịch UBND thành phố.

Đặc biệt, các huyện có chăn nuôi nhiều nhưng chưa xảy ra dịch bệnh cần chú trọng kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn trên địa bàn. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả, không để lây lan diện rộng.

Tập trung làm tốt công tác truyền thông, tập huấn cho các hộ chăn nuôi để người dân chủ động phòng bệnh. Tuyên truyền “5 không” và “4 tại chỗ” (Chỉ đạo tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật tư tại chỗ, tiêu hủy tại chỗ). Duy trì nghiêm túc hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành và tạm thời để tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường chỉ đạo các ban, ngành và UBND cấp xã quản lý chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ lợn, sản phẩm của lợn.

Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Quản lý chặt chẽ khu vực tiêu hủy động vật mắc bệnh, hạn chế bố trí quá nhiều địa điểm tiêu hủy gây ảnh hưởng môi trường và xử lý mầm bệnh.

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhieu-nguy-co-khien-dich-ta-lon-chau-phi-phat-sinh-90070.html